Bạn có thể truy cập trang này với địa chỉ www.trongnghia.info hoặc www.truongtrongnghia.com
Vở cải lương "Nỗi đau sợi tơ đồng": Níu giữ hồn xưa trong tiếng đàn kìm
“Nỗi đau sợi tơ đồng” là vở diễn được Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang dàn dựng để tham gia Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đồng Nai phối hợp tổ chức đầu tháng 11 vừa qua.
Qua “Nỗi đau sợi tơ đồng” đã mang về cho Đoàn 4 huy chương. Trong đó, nghệ sĩ Đào Vũ Thanh xuất sắc đoạt huy chương vàng với vai Chấn Phong. Các nghệ sĩ: Nhơn Hậu (vai Lệ Hằng), Kiều Quốc Tâm (vai Trần Bách) và Lâm Ngân (vai Gia Kỳ) đồng huy chương bạc.
Một cảnh trong vở “Nỗi đau sợi tơ đồng”. |
Theo yêu cầu của Cục Nghệ thuật biểu diễn, các vở tham gia liên hoan lần này phải chú trọng đề tài ca ngợi Đảng, ca ngợi sự nghiệp công nghiệp hóa, đi vào những vấn đề mang tính đương đại, thời sự, phản ánh những mặt trái của xã hội hiện nay.
Điều này khiến soạn giả Huỳnh Anh không khỏi ưu tư khi bắt tay vào thực hiện kịch bản, bởi bản sắc của cải lương thường là tuồng tích mang màu sắc, không khí cổ xưa. Những đề tài có tính bắt buộc quả không dễ để đưa vào sân khấu cải lương.
Lấy cảm hứng từ tiếng đàn kìm cùng nỗi ưu tư về việc bảo tồn và phát huy những vốn quý trong âm nhạc truyền thống dân tộc, soạn giả Huỳnh Anh đã xây dựng kịch bản “Nỗi đau sợi tơ đồng” từ vấn đề đào tạo ca sĩ và công nghệ lăng xê đang nóng bỏng những năm trở lại đây.
Trong thời kỳ mở cửa, văn hóa ngoại lai ồ ạt xâm nhập, thị trường âm nhạc hỗn loạn đang có chiều hướng thực dụng và nguy cơ mất gốc thì những người có tâm huyết bảo vệ âm nhạc truyền thống như nhạc sĩ lão thành Trần Bách và anh nhạc sĩ trẻ Chấn Phong phải đối mặt với nhiều thử thách, trong đó có sự chi phối của đồng tiền, sự đua đòi và cả sự ngoảnh mặt của một bộ phận giới trẻ hiện nay đối với tiếng đàn dân tộc.
Ông Nguyễn Ngọc Minh - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Tiền Giang (thứ 2 từ phải sang) tặng hoa cho các diễn viên sau buổi diễn. |
Trần Bách là nghệ nhân nhạc cụ dân tộc nhiều năm theo các đoàn hát và tham gia giảng dạy ở nhạc viện. Ông luôn tâm niệm: “Còn chút sức lực thì phải cố gắng truyền nghề để khi mất đi khỏi ân hận là mình không kịp trao những viên ngọc quý cho thế hệ đi sau”.
Mọi chuyện bắt đầu khi con gái của ông là Lệ Hằng đoạt giải ba trong cuộc thi tiếng hát truyền hình và được Công ty Ánh Sao Mai mời ký hợp đồng làm ca sĩ độc quyền. Chính bản hợp đồng này đã khiến vợ chồng ông Trần Bách xảy ra xung đột khi bà Trần Bách muốn dùng tiền để lăng-xê con gái thành ca sĩ nổi tiếng, còn ông thì quyết liệt ngăn cản.
Trong khi đó, Lệ Hằng cũng muốn được nổi danh bất chấp lời khuyên răn của cha và sự phản đối của người yêu là Chấn Phong. Vở diễn là lời cảnh báo đến những bạn trẻ đang mới chập chững bước vào con đường nghệ thuật không nên tạo dựng tên tuổi bằng mọi cách, thậm chí tạo ra những “xì-căng-đan” mà phải đi lên bằng chính thực lực và tài năng của mình.
Câu nói của nhạc sĩ Trần Bách với Chấn Phong trong vở: “Muốn giữ lấy tiếng đàn dân tộc ta không chỉ ôm khư khư cái cũ của thế hệ đi trước để lại. Hò - sự - xang - xê - cống là năm viên ngọc quý nhưng năm viên ngọc ấy chỉ tỏa sáng khi được thổi vào sinh khí mới của thời đại. Con phải đi tìm. Thầy giao trách nhiệm ấy lại cho con” đã thể hiện chất đạo đức của người nghệ sĩ trong thời kinh tế thị trường và cũng là nỗi ưu tư trong việc bảo tồn, phát huy nền âm nhạc dân tộc mà tác giả kịch bản muốn gửi đến khán giả thông qua vở diễn.
Đây là lần đầu tiên Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc tập trung vào đề tài hiện đại và “Nỗi đau sợi tơ đồng” đã thành công khi mạnh dạn đưa lên sàn diễn những mặt trái của đời sống, những hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo lý, háo danh thực dụng, chạy theo vật chất, đồng tiền… Chủ đề của vở diễn không hẳn mới lạ nhưng lại là vấn đề nóng bỏng và phù hợp với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
Vở diễn cũng đã đánh dấu sự già dặn và bản lĩnh sân khấu của các nghệ sĩ như Kiều Quốc Tâm, Đào Vũ Thanh, Nhơn Hậu bên cạnh các nghệ sĩ trẻ đầy triển vọng như Lâm Ngân, Hoài Nhung, Văn Huỳnh Anh…
Thành công của vở diễn “Nỗi đau sợi tơ đồng” cho chúng ta niềm hy vọng về hướng đi mới của sân khấu cải lương nói chung khi khai thác các vấn đề đương đại, cũng như của riêng Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang với đội ngũ kế thừa được đào tạo bài bản, đầy triển vọng.
LÊ VĂN
Quê hương trên đôi vai gầy
Sài Gòn bây giờ có thể đã vắng nhiều những tiếng rao, nhất là về đêm. Không thiếu gì người bán hàng rong vẫn quang gánh kĩu kịt từng con hẻm quanh co nhưng tiếng rao của họ đã bị vô số tiếng ồn xe cộ, TV, âm nhạc lấn áp.
Ngày trước, mỗi khi nghe tiếng rao quen thuộc là người Sài Gòn có thể biết giờ mà khỏi cần coi đồng hồ. Tiếng rao trở thành thân thuộc đến nỗi khi vắng nó một vài hôm đã khiến người ta lo lắng cho sức khoẻ của người bán dạo. Để rồi khi được nghe lại tiếng rao thì bồi hồi như thể vừa gặp lại người quen! Tiếng rao Sài Gòn có sắc thái riêng. Bây giờ, tiếng rao có khi được thay bằng những thanh âm khác: tiếng lóc cóc của xe mì gõ lúc nửa đêm, hay tiếng xoành xoạch của anh chàng đấm bóp…
Cuộc sống Sài Gòn như đầy đặn hơn trong những con hẻm nhỏ. Chỗ lày là quán cà phê cóc, kế bên là quán cơm bình dân, đối diện là quán bún bò nằm cạnh quán phở… Ăn uống ở những quán này, giá cả rất bình dân mà chất lượng cũng… chấp nhận được! Với những người tỉnh lẻ lên Sài Gòn ở trọ vài năm thì chắc chắn những tiếng rao của cái đô thị này đã ngấm vào ký ức. Sài Gòn là vậy, hối hả, ồn ào nhưng rất dễ thương dễ nhớ. Nhớ tiếng rao, là một phần hồn của Sài Gòn, ai đã đến rồi đều mang theo khi tạm biệt. Đó là một phần đặc trưng, một phần bản sắc của Sài Gòn vậy!
Sáng tinh mơ Sài Gòn đã quen với tiếng rao “bánh mì nóng giòn…”, “báo mới đây…”,. Sau những “thức điểm tâm” đó là một ngày làm việc với: “ve chai, đồ điện hư cũ bán hông…” vào buổi trưa, “bánh bò bánh tiêu bánh cuốn”, “xôi khúc bánh tét bánh giò” vào buổi chiều kéo tận đến khuya. Đêm Sài Gòn không thể thiếu tiếng lóc cóc của đội quân xe mì gõ suốt hai mùa mưa nắng … Gần đây, dân nhập cư, nông nhàn đổ về thành phố ngày càng đông. Tiếng rao cũng “phong phú” nhiều mặt hàng hơn: ve chai, khoai lang, khoai mì, đậu phộng nấu, bắp nấu…
Bước trên đường phố Sàigòn náo nhiệt và sống động, ta có thể nghe thấy khắp các đường, hẻm những tiếng rao “tiếp thị”. Đường phố thì ồn ào, nhà ở thì cao tầng, tiếng rao dường như không còn ngân nga như trước. Người rao cố vươn dài cổ, hét thật to để át đi những âm thanh hỗn độn của cuộc sống.
Tiếng rao Sài Gòn tựa như một bài hát có âm, có điệu, có vần nghe thật hấp dẫn. Nhưng đằng sau những âm thanh đó là nếp sinh hoạt người dân chốn thị thành từ lâu đời, chống chọi với gian khổ để giành lấy cuộc sống bản thân!
Tiếng lóc cóc của những xe hàng rong đi qua
Mùi thơm đánh thức cả con hẻm nhỏ
Náo nức những tiếng rao buổi sáng
“Báo đê… ê… , bánh mì nóng, xôi vò đê…ê!”
(Thành phố buổi sáng – Thơ: Trương Trọng Nghĩa)
Sài Gòn hôm nay có những tiếng rao mới: “Thịt ngon, cá tươi, rau xanh các bác ơi!”… Đó là âm thanh của tiếng rao vào sáng sớm trong các khu phố bình dân. Người rao là những cô gái trẻ quê phía Bắc. Các cô cột hai cái rổ sắt hai bên yên sau chiếc xe đạp, chứa vài thứ thực phẩm tươi sống: thịt, cá, rau củ quả… Thật tiện lợi, mang chợ đến tận nhà! Đi theo “sau lưng” các cô là những anh chàng mà tiếng rao được “hiện đại hoá” bằng băng cassette, phát ra liên tục, đều đều: “Bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm bơ một ngàn một ổ”… Xen kẽ theo “bánh mì đặc ruột”, là các cô, các bà cưỡi xe đạp, chở phía sau một nồi xôi rất… Bắc Kỳ và cất tiếng rao: “Xôi khúc đây!”.
Rồi tiếng rao buổi sáng trên các hẻm hóc Sài Gòn sẽ được nâng lên “cao trào” khi xuất hiện những anh chàng đạp xe, cùng chiếc loa phát ra lời rao lanh lảnh từ máy cassette: “Keo dính chuột sản xuất bằng công nghệ hóa màu đã được kiểm nghiệm cực kỳ khoa học, không gây độc hại cho người!”… Keo dính chuột có thể không gây hại, nhưng tiếng rao oang oang của anh ta có thể đã lập tức gây “ngộ độc” màng nhĩ của bà con trong xóm! Rồi sẽ xuất hiện từ đầu hẻm một người đẩy chiếc cân sức khỏe, cao nghễu nghện đi vào với lời rao tự động: “Cân nặng 55 kg, chiều cao 1m60, sức khỏe tốt…”.
Buổi trưa và chiều Sài Gòn những tiếng rao vẫn tiếp tục cất lên nhằm “giới thiệu sản phẩm”: bò bía, bột chiên, hủ tiếu gõ, trái cây… cả tiếng rao mài dao mài kéo!
Sài Gòn về đêm làm cho người ta ít nhiều có những ký ức mông lung gợi nhớ… Những tiếng rao đêm như xói vào lòng người. Xe mì gõ nơi góc đường bốc hơi nghi ngút toả hương thơm cả một quãng phố dài. Tiếng gõ lóc cốc của thằng bé bán mì vang đi khắp xóm. Tiếng gõ nhịp vang lên trong từng con hẻm – như một tiếng rao đêm nhẹ nhàng mà da diết – khi mọi người đã say trong giấc ngủ thì có ai còn thao thức bởi những con người này không? Saigon về đêm vẫn còn ẩn chứa biết bao điều…
Ngồi trên căn gác xép, người Sài Gòn đêm đêm lại nghe văng vẳng đâu đó một mớ âm thanh hỗn độn: tiếng rao đêm, tiếng chổi của những người quét rác, tiếng bước chân người qua lại, tiếng gõ phát ra từ những xe hủ tiếu mì… Những âm thanh ấy ngày càng nhỏ dần và rơi vào khoảng không vô tận, hun hút của màn đêm. Trong đó có lẫn tiếng rao của những người mẹ – tiếng rao nuôi lớn cuộc đời những đứa trẻ nghèo thành thị.
Có thể bây giờ phố không còn trẻ đâu
Tiếng rao đêm đã khàn hơn một chút
Chiếc xe già nua mõi hơn thời trước
Người đạp xe quen gọi tóc muối tiêu
Nhớ thật nhiều và quên cũng thật nhiều
Không thể quên phần ba ly cà fé đậm
Trong mưa khuya nhớ thương lời rao sáng
Giữa nắng ngày thương nhớ tiếng rao đêm
(Sài gòn trong khúc nhớ quên – thơ TRẦN KIÊU BẠC, California)
Đêm càng khuya, tiếng rao càng nhỏ, nhưng lại vang xa, ngân dài từ đầu phố đến cuối phố, nhẫn nại và chậm chạp. Tiếng rao nối những con phố dài vắng lặng hun hút ánh đèn, làm cho đêm như sâu hơn. Tiếng rao đêm lanh lảnh của ai kia văng vẳng vọng về. Bên ngoài kia còn biết bao người lam lũ vất vã… Thành phố phát triển có những đổi thay xa lạ với chính nó. Điều này quá hiển nhiên như bây giờ ít được nghe tiếng rao đêm của người bán ăn khuya vì ở ngã tư kia giờ đã có hàng quán sáng ánh điện suốt đêm, ký ức thỉnh thoảng vẫn vọng lại tiếng rao đêm, ánh đèn dầu….
Có tiếng rao như lời Mẹ tôi, như lời chị tôi
Mang quê hương trên đôi vai gầy
Những trái ổi sẻ, những trái me
Ðậu phộng luộc, đòn gánh tre
Ai mua, ai không mua, ai mua
(Tiếng rao - lời ca khúc Võ Thiện Thanh)
Tùng Thi
Bài đăng báo điện tử Người Viễn Xứ
Tác giả trẻ Trương Trọng Nghĩa: "Sự buồn tẻ làm thui chột ý thức sáng tạo..."
Các bạn trẻ hiện nay vẫn còn “máu” với văn chương lắm. Họ vẫn có nhu cầu đọc thơ và giãi bày cảm xúc qua thơ. Họ sẵn sàng dấn thân vào con đường đau khổ này. Vì hơn lúc nào hết, trong cuộc sống hối hả hiện nay, con người đang cần tìm đến văn chương để lấy lại sự cân bằng. Chúng ta đang cần những khoảng lặng để thanh lọc và nuôi dưỡng tâm hồn.
“Việc quảng bá dành cho văn chương quá ít”
- Theo bạn, giới trẻ hiện nay dành sự quan tâm của mình cho văn chương ở mức độ nào? Liệu đã đến mức “báo động đỏ” như một số người đã lên tiếng chưa?
* Sự quan tâm của giới trẻ hiện nay dành cho văn chương đang suy giảm là điều có thật. Theo tôi đó cũng là chuyện đương nhiên khi giới trẻ hiện nay có quá nhiều thứ khác để quan tâm. Nếu như trước đây, các phương tiện thông tin giải trí chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay thì hiện hiện nay ngoài sách báo còn có phát thanh, truyền hình, đặc biệt là sự phát triển vượt bậc của mạng internet cùng những công nghệ đi kèm với nó. Dĩ nhiên khi có nhiều sự lựa chọn, người ta sẽ chọn cho mình cái tốt nhất, cái hấp dẫn và phù hợp nhất. Một lý do khác dẫn đến việc văn chương đang mất dần vị thế trong đời sống tinh thần con người, theo tôi, đó là do thời gian qua việc quảng bá dành cho văn chương của chúng ta quá ít. Trong đời sống kinh tế thị trường, văn chương cũng trở thành một sản phẩm. Vì thế muốn món hàng đó đến với công chúng thì rất cần được quảng bá, tiếp thị. Hầu như chúng ta đã quên, hoặc đang cố tình quên đi điều này. Những hoạt động bề nổi của âm nhạc và điện ảnh được báo chí săn đón và thông tin quá nhiều trong khi đất dành cho văn chương thì ngày càng bị thu hẹp, thậm chí hiện nay nhiều tờ báo đã “đoạn tuyệt” hẳn với văn chương. Một bộ phim mới ra lò, một ca sĩ ra album mới được quảng cáo rầm rộ, poster dán đầy đường, hàng chục tờ báo viết bài lăng-xê. Thử hỏi, một tác giả trẻ vừa in tác phẩm đầu tay thì ai biết đến đây?
Tuy nhiên, hiện nay, trong vai trò “chủ xị” của một trang web về văn chương trẻ, tôi dám khẳng định một điều: Các bạn trẻ hiện nay vẫn còn “máu” với văn chương lắm. Họ vẫn có nhu cầu đọc thơ và giãi bày cảm xúc qua thơ. Họ sẵn sàng dấn thân vào con đường đau khổ này. Vì hơn lúc nào hết, trong cuộc sống hối hả hiện nay, con người đang cần tìm đến văn chương để lấy lại sự cân bằng. Chúng ta đang cần những khoảng lặng để thanh lọc và nuôi dưỡng tâm hồn.
-Bạn vừa nhắc đến một khía cạnh được nhiều người viết trẻ hiện nay rất quan tâm: đó là việc quảng bá, tiếp thị văn chương như là một sản phẩm. Bạn cho rằng “hầu như chúng ta đã quên, hoặc đang cố tình quên đi điều này”. Nhưng tôi thì thấy rằng: chưa bao giờ việc in ấn, giới thiệu sáng tác của các tác giả trẻ cởi mở như bây giờ. Việc quảng bá, tiếp thị cũng được nhiều tác giả, các NXB rất chú trọng, dù không phải là tất cả. Văn chương là “hữu xạ tự nhiên hương” nên nó không thể ganh đua một cách ồn ào với các loại hình nghệ thuật khác như điện ảnh hay ca nhạc được.
* Đồng ý là vấn đề in ấn và giới thiệu tác phẩm hiện nay đang rất cởi mở nhưng dường như nhiều tác giả vẫn còn e ngại chuyện quảng bá hoặc có tâm lý ngồi chờ người khác giúp mình. Chỉ mới cách đây mấy năm, việc nhà thơ Anh Ngọc và sau đó là nhà thơ Nguyễn Duy “tiếp thị” thơ đã trở thành “chuyện lạ Việt Nam”. Hiện nay, nhiều NXB và các công ty liên kết làm sách ở Hà Nội đã bắt đầu chú trọng đến khâu tiếp thị sách văn chương. Tuy nhiên đôi khi tôi lại có cảm giác, họ đang cố tình tạo ra dư luận chỉ nhằm mục đích bán sách lấy tiền chứ chưa thực sự quan tâm đến việc tôn vinh những giá trị văn chương đích thực.
Người tiêu dùng luôn sáng suốt, họ chỉ bỏ tiền để mua những sản phẩm có chất lượng. Đành rằng việc quảng bá, tiếp thị không làm nên giá trị tác phẩm, thế nhưng chính sự e dè trong khâu quảng bá thời gian qua đã hình thành nên một khoảng cách nhất định giữa tác phẩm và bạn đọc. Có lẽ đã đến lúc nhà văn cần phải cho độc giả biết nhiều thông tin liên quan đến tác phẩm của mình hơn. Gần đây, một cây bút trẻ Hà Nội đã lập hẳn trang web để tiếp thị sách của mình và nhanh chóng tạo được sự chú ý. Đáng tiếc là những hình thức quảng bá như thế này vẫn chưa phổ biến.
- Có người kêu rằng hiện nay trên internet đang lạm phát các forum văn chương. Nhiều người trẻ tìm đến đây thực ra chỉ để “quậy” cho vui. Những người viết khó có thể tìm được những điều hữu ích cho mình từ những forum này. Bạn nghĩ sao về điều này?
* Vâng, thử dạo qua một vài forum trên mạng hiện nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy ý kiến trên không phải là vô căn cứ. Hầu hết các diễn đàn ít nhiều đều có “quy hoạch” phần đất dành riêng cho văn học. Tuy nhiên, tôi cho rằng những forum này phần nhiều mang tính chất ngẫu hứng và nghiệp dư, chỉ dừng lại ở dạng “phong trào”. Tham gia cho vui thì được chứ chúng ta khó có thể tìm được những điều hữu ích, những vấn đề mang tính lý luận, học thuật ở các forum dạng này. Những forum thuần tuý văn chương và có chất hiện vẫn tương đối hiếm.
- Có nhà văn cho rằng hiện nay những người viết (đặc biệt là lớp trẻ) đang viết càng ngày càng ẩu cả về ngôn ngữ văn chương lẫn tư tưởng. Phải chăng đó là bởi họ đang vội vã và nôn nóng quá chăng?
* Đó vẫn là nhận định mà theo tôi hẳn còn gây ra nhiều tranh cãi. Tôi cũng chỉ là một tác giả 8X nên tôi nghĩ mình không có quyền gì để phán xét những cây bút cùng trang lứa. Tuy nhiên, tôi nhận thấy văn chương của thế hệ chúng tôi dường như đang thiếu sự lãng mạn kiểu cổ điển hoặc là các tác giả trẻ đang cố tình triệt tiêu nó. Có lẽ vì lý do đó mà những tác giả trẻ không thể chinh phục được những nhà văn cha chú?
Riêng đối với tôi, chuyện cẩu thả trong văn chương (nếu có) là do tác giả đó chưa thật sự nghiêm túc khi cầm bút hoặc giả chỉ xem văn chương như là một cuộc chơi.
-Bạn quan niệm thế nào về cái (tạm) gọi là Cũ và Mới trong sáng tác văn chương?
* Làm mới văn chương có lẽ là mong muốn chung của hầu hết nhiều thế hệ những người cầm bút. Một cái áo mới may tôi mặc hôm qua đã là cũ trong ngày hôm nay nhưng nó vẫn mới khi so với 2 ngày trước. Tuy nhiên, trong văn chương có nhiều vấn đề đã được nói đến từ rất lâu nhưng vẫn còn mới nguyên giá trị tại thời điểm hiện tại và tương lai. Thế thì lấy gì để làm ranh giới giữa cái cũ và cái mới trong văn chương đây? Xin tạm hiểu cái mới là những gì mà chưa ai đề cập đến, nó không được giống bất kỳ ai, không lập lại bất kỳ ai và ngược lại là cũ. Thế nhưng nếu hiểu cái mới như thế thì đôi khi đấy chỉ là sự lập dị vốn có hoặc do cố tình tạo ra của một cá nhân nào đó. Và liệu với một món ăn cũ được chế biến lại, cho thêm gia vị vào thì có thể xem là mới không? Có thể đưa ra khái niệm mơi mới ở đây không? Điều đó hẳn còn phải bàn lại. Theo tôi trong văn chương, vấn đề đổi mới bao gồm 2 yếu tố nội dung và hình thức. Cả 2 đều quan trọng như nhau cả. Nhưng chúng ta cần xác định mục đích tạo ra cái mới là gì, cái mới có hay hơn cái cũ không? Khi chưa trả lời thỏa đáng những điều đó thì tốt nhất nên lấy những giá trị truyền thống và hiện tại để làm chuẩn mực.
“Độc giả đang bị hụt hơi khi cứ phải chạy theo những trào lưu...”
- Là một tác giả thuộc thế hệ 8X, bạn nhìn nhận như thế nào về thơ trẻ thế hệ mình?
* Trong một lần giao lưu gần đây trên chương trình Radio Thơ Trẻ, nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng:“Thơ của các bạn trẻ hiện nay lập luận và triết lý quá nhiều mà thật ra những triết lý đó đôi lúc rối rắm đến mức nhiều người không thể hiểu nổi tác giả muốn nói gì”. Thú thật, đôi lúc đọc thơ của các bạn 8X, tôi cũng có cùng cảm nhận ấy. Trong trường hợp hai người bất đồng ngôn ngữ, họ có thể diễn tả bằng hành động để có thể hiểu nhau. Thế nhưng đối với những tác giả 8X, họ viết bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ, về những cảm xúc, những suy tư và trăn trở của thế hệ mình, mà bạn đọc cùng trang lứa của họ không hiểu thì làm sao có thể cảm thụ và chia sẻ được đây? Tôi nhận thấy thơ của các tác giả 8X hiện nay đang ngổn ngang những câu từ tăm tối, hũ nút chỉ nhằm mục đích đánh đố người đọc. Có vẻ như độc giả đang bị hụt hơi khi cứ phải chạy theo những trào lưu, những sự cách tân đến chóng mặt trong thơ trẻ hiện nay. Và liệu rồi một ngày nào đó họ có đủ thời gian và nhiệt huyết để tiếp tục đồng hành với nhà thơ không?
- Thế nhưng có tác giả trẻ tuyên bố rằng: họ biết giá trị của những tác phẩm mà họ viết ra. Nhưng độc giả từ chối họ chỉ vì không hiểu/ không đủ trình độ hiểu họ. Họ không thấy làm buồn vì điều đó bởi sớm hay muộn cũng sẽ có người hiểu / chia sẻ được với họ.
Ởđây, tôi muốn hỏi: Theo bạn độc giả dự phần như thế nào vào sự thành công của một tác phẩm văn học?
* Một tác phẩm văn học có thể không tìm được sự đồng cảm ở thời điểm hiện tại nhưng nó hoàn toàn có khả năng sẽ tỏa sáng trong năm mười năm hay vài trăm năm sau nữa. Thời gian luôn là vị giám khảo công tâm nhất. Thế nhưng trên thực tế ít ai có đủ tài năng để viết ra tác phẩm cho những độc giả ở thời tương lai như thế. Thế thì tại sao chúng ta không thử xét ở mặt ngược lại. Một tác phẩm văn học mà số đông độc giả không thể hiểu, không thể cảm thụ được thì đó có phải là một tác phẩm có giá trị đích thực không? Giả sử tôi đưa cho bạn một cây bút bi hết mực và bảo đó là một tài sản vô giá sau năm mươi năm nữa, liệu bạn có tin không?
Tôi vẫn cho rằng, sáng tạo nên tác phẩm là tài năng của cá nhân mỗi nhà văn, nhà thơ nhưng độc giả mới chính là người quyết định giá trị đích thực của tác phẩm đó. Anh không thể tôn đứa con tinh thần của mình lên vị trí số một rồi bắt mọi người đều phải ngước lên chiêm ngưỡng nó. Độc giả của một tác phẩm văn học luôn ở số đông với đủ mọi trình độ, tuổi tác, giới tính, tính cách, quan điểm… khác nhau, vì thế theo tôi là quá thừa nếu cứ nơm nớp sợ họ bỏ sót những tác phẩm hay thực sự.
- Một câu hỏi không mới, nhưng tôi rất muốn nghe ý kiến của bạn - một tác giả trẻ rằng: chữ là phương tiện hay mục đích của thơ?
Sở dĩ tôi đặt ra câu hỏi này vì không ít lần tôi nghe được lời than phiền từ những nhà thơ lớn tuổi về việc hiện nay “chữ nghĩa” của các nhà thơ trẻ không bay lên từ tâm hồn, cảm xúc mà lại được nhào nặn bằng trí thông minh, sự lập dị của người viết. Và vì vậy, tác giả đó có thể được chú ý bằng sự lạ nhưng sự đồng cảm từ phía người đọc lại không được bao nhiêu...
* Xin được trả lời ngay, với tôi, chữ vừa là phương tiện nhưng cũng lại vừa là mục đích của thơ. Tuy nhiên “trọng lượng” của chúng trong mỗi bài thơ, mỗi dòng thơ không phải lúc nào cũng ngang bằng nhau. Khi đối diện với trang giấy, tôi bị chi phối bởi con người tình cảm và con người lý trí. Khi tình cảm dâng cao tôi phải mượn đến chữ để diễn tả nhưng khi có sự phán xét của lý trí tôi sẽ phải cân nhắc nên dùng chữ thế nào để không đi vào dễ dãi và sáo mòn.
Trong thực tế thì chữ bao giờ cũng đến sau những cảm xúc, những điều chúng ta suy nghĩ. Vì thế lẽ đương nhiên chữ chỉ là phương tiện chứ ít khi là mục đích. Thế nhưng trong thơ ca thì đôi khi chỉ cần một chữ đã có thể làm sáng cả bài thơ, có sức ám ảnh nơi người đọc. Đó cũng là lúc nhà thơ phải “vật lộn” với từng con chữ và cân nhắc phải đặt chữ ở đâu để đạt được mục đích của mình.
Xét cho cùng thì dù là phương tiện hay mục đích thì cái cuối cùng vẫn là điều tôi muốn chia sẻ, muốn giãy bày với độc giả là gì? Nếu không trả lời được câu hỏi ấy, e rằng thơ sẽ rơi vào hũ nút.
- Và một vấn đề gây tranh cãi hiện nay: thơ trẻ đã có thương hiệu hay chưa, theo bạn?
* Thời gian gần đây, chúng ta nghe nói nhiều đến các cụm từ như: thơ trẻ, thơ của thế hệ 8X, thơ của thế hệ @... Thế nhưng theo tôi, cái mà thơ trẻ đang có chỉ mới là một danh xưng chứ chưa phải là một thương hiệu riêng. Vì sao? Thứ nhất, nhiều người vẫn còn mập mờ trong việc xác định: “Thơ trẻ” là từ để chỉ thơ của những tác giả trẻ về tuổi đời hay để chỉ một thể loại thơ có những điểm mới về mặt nội dung và hình thức? Thứ hai, thơ trẻ vẫn chưa đến được với đại đa số công chúng, chưa có “chỗ đứng” riêng trong lòng bạn đọc. Và điều quan trọng là hiện vẫn chưa có những tác phẩm thơ trẻ “chất lượng cao” đủ thuyết phục để khẳng định giá trị cho thương hiệu này. Trong nền kinh tế hàng hoá, các sản phẩm đến với người tiêu dùng bằng thương hiệu. Thế nhưng thử hỏi hiện nay đã có tác giả trẻ nào sống được từ việc bán thơ của mình viết ra chưa?
-Tôi muốn dừng lại ở ý này một chút. Xin nói ngay rằng, không chỉ có các tác giả trẻ mà nhiều nhà thơ không còn trẻ, tên tuổi đã được khẳng định, cũng khó sống được nếu chỉ trông chờ vào việc bán thơ của mình. Thế nhưng mặt khác chúng ta vẫn hay nói rằng: người Việt Nam yêu thơ ca, yêu văn học. Trên đây bạn cũng nói rằng: “hơn lúc nào hết, trong cuộc sống hối hả hiện nay, con người đang cần tìm đến văn chương để lấy lại sự cân bằng”. Liệu những điều này có gì mâu thuẫn nhau không, theo bạn? Nếuphân tích “kiểu kinh tế thị trường” thì tại sao Cung chưa gặp Cầu?
* Trong văn chương, một tác phẩm bán chạy trên thị trường chưa hẳn là là hay, chưa hẳn có giá trị văn chương đích thực. Và mục đích làm thơ, in thơ của nhiều người cũng không phải là để bán. Thế nhưng ít ra nhà thơ cũng phải sống được bằng nhuận bút thơ, vì không có nó thì nhà thơ làm gì để sống và có thể thảnh thơi ngồi “mổ tim vắt óc” làm thơ đây?
Nhu cầu thưởng thứcthơ ca là có thật nhưng đó không phải là một nhu cầu bức bách. Người ta có thể không đọc thơ trong suốt cuộc đời nhưng không thể nhịn uống trong một tuần, nhịn ăn trong một tháng. Khi đời sống chưa được nâng cao thì việc bỏ ra vài chục ngàn mua một tập thơ cũng trở thành điều xa xỉ. Vì thế, nếu phân tích “kiểu kinh tế thị trường” thì nhà thơ phải trả lời câu hỏi: “Sau khi đọc thơ của anh thì tôi được điều gì?” một cách thuyết phục thì mới mong độc giả của mình chịu móc hầu bao.Trong khi đó hiện nay, tính trung bình mỗi ngày có từ hai đến ba tập thơ được in ra. Thơ ra đời ồ ạt kiểu ai ai cũng có thể làm thơ, ai ai cũng có thể in thơ trong khi chất lượng thì “vàng thau lẫn lộn” đã phần nào làm giảm lòng tin nơi độc giả.
Nhà thơ Xuân Diệu sinh thời đã từng phải thốt lên: “Trước đây cả nước đọc thơ. Bây giờ thơ chỉ có nhà thơ đọc. Không khéo cứ cái đà này, rồi sẽ đến ngày các nhà thơ cũng chẳng thèm đọc của nhau nữa. Lúc ấy ai làm thơ thì người đó tự đọc của mình thôi...”. Và có phải điều mà nhà thơ Xuân Diệu cảnh báo đã trở thành hiện thực rồi chăng? Vì thơ của ai mạnh người ấy đọc nên mới không bán được?
- Trong bài trò chuyện gần đây, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn có nhận định rằng: thơ trẻ sẽ tiến tới một diện mạo thành thực hơn. Còn bạn, bạn hình dung thế nào về diện mạo thơ trẻ trong tương lai?
* Tôi nghĩ rằng, quá trình sáng tạo văn học nghệ thuật là một mạch nước ngầm với những ngã rẽ bất ngờ mà chúng ta khó có thể nói trước điều gì. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn lạc quan về diện mạo của thơ trẻ trong tương lai. Tuổi trẻ thường gắn liền với những tình từ năng động và sáng tạo. Tôi tin rằng thơ của những người trẻ thế hệ chúng tôi cũng sẽ mang trong mình những đặc tính đó. ít ra qua quá trình tích tụ và đào thải của thời gian, diện mạo thơ trẻ của chúng ta sẽ trở nên sáng sủa hơn và rất có thể cũng sẽ thành thực hơn như nhà thơ Lê Thiếu Nhơn tiên đoán chăng?
“Các cây bút trẻ mạnh ai nấy viết...”
- Tôi thích những câu thơ này của bạn:“Tôi đi về phía tuổi thơ/ Giẫm lên dấu chân/ Những đứa bạn đã rời làng kiếm sống/ Đất không đủ cho sức trai cày ruộng/ Mồ hôi chẳng hoá thành bát cơm no”(bài “Phía sau làng”).
Ởđây một vấn đề được đặt ra: nhiều bạn đọc kêu ca rằng họ ngày càng khó tìm được những dòng viết xúc động về nông thôn ở sáng tác của những người trẻ. Nhiều tác giả trẻ dường như vẫn bị các đô thị lôi cuốn, bị những xu hướng sáng tác dù đã cũ ở nhiều nước trên thế giới nhưng khá mới mẻ ở Việt Nam làm cho “loá mắt”. Những sự ồn ào ngoài văn chương dường như làm cho họ quan tâm hơn là những giá trị đích thực của văn chương.
Bạn nghĩ thế nào về nhận định này?
* Tôi có may mắn hơn những cây bút trẻ khác khi được sinh ra, lớn lên và hiện đang sinh sống tại một vùng quê dân dã của miền Tây Nam bộ. Đời sống nông thôn đã gắn bó và trở thành máu thịt của tôi vì thế tôi cảm thấy hết sức dễ dàng khi viết về đề tài này.
Tuy có đôi chút khập khiễng nhưng tôi vẫn muốn đem chuyện hiện nay có nhiều thanh niên nông thôn bỏ quê lên những thành phố lớn mưu sinh lập nghiệp để lý giải cho câu hỏi tại sao nhiều tác giả trẻ có vẻ như đang bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc sống đô thị và không mấy mặn mà về mảng đề tài nông nghiệp nông thôn. Cũng thật khó nếu cứ bắt những cây bút trẻ phải viết về những điều mà họ không am hiểu và gắn bó.
Trong thời gian gần đây dư luận bắt đầu quan tâm đến những sự kiện ồn ào trong một bộ phận những cây bút trẻ. Và tôi cho rằng, đó là sự khuấy động cần thiết đến đời sống văn chương đang im ắng và buồn tẻ như hiện nay. Mặc dù không dám quy chụp nhưng đôi lúc tôi cũng có cảm giác những cây bút trẻ đang quan tâm và dành nhiều thời gian để “làm màu” nhằm tạo tiếng tăm trong dư luận hơn là cho văn chương nghệ thuật.
- Là người tạo dựng một “sân thơ” trẻ khá rôm rả tại địa chỉwww.thotre.com, thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn đọc bạn viết cả nước, quan điểm của bạn như thế nào khi xử lý những bài viết cộng tác mà bạn biết rằng nếu đăng tải sẽ gây nhiều tranh cãi?
* Ngày 25.09 vừa qua,thotre.comđã thổi nến mừng sinh nhật lần thứ nhất của mình và tôi rất vui là trong 1 năm qua trang web này đã thu hút được sự quan tâm của khá nhiều bạn đọc bạn viết, trong đó có nhiều cây bút trẻ trong và ngoài nước. Mặc dù vẫn chưa có nhiều cây bút chủ lực nhưng hàng ngày tôi đều nhận được khá nhiều bài viết do các bạn độc giả gửi về và tôi luôn phải cân nhắc trước khi đưa một bài viết lên. Nếu cho tôi sự lựa chọn giữa việc đưa lên mạng một bài viết dở và một bài viết hay nhưng có thể sau đó sẽ gây ra nhiều tranh cãi thì nhất định tôi sẽ chọn phương án thứ hai. Bởi ý tưởng của tôi khi xây dựng website này là nhằm tạo ra một sân chơi, một diễn đàn mở rộng để mọi người đều có thể tham gia trao đổi những vấn đề liên quan đến văn học trẻ. Chúng tôi luôn khuyến khích những vấn đề mới, những tác phẩm mang tính đột phá, sáng tạo.
- Bạn nghĩ sao trước ý kiến cho rằng “Bây giờ, một cây bút trẻ muốn in một đầu sách hoặc công bố tác phẩm có vẻ dễ dàng hơn. Thế nhưng, mỗi cá nhân vẫn thấy thiếu vắng không khí sinh hoạt của bạn viết đồng trang lứa”?
* Tôi không rõ trước đây việc in một đầu sách hay muốn công bố một tác phẩm thì phải như thế nào nên cũng khó có sự so sánh. Còn nếu nói ở thời điểm hiện nay thì theo tôi quả không mấy khó khăn trừ khi bạn muốn cất tác phẩm của mình trong hộc tủ. Bây giờ ai cũng có thể làm thơ và tự công bố tác phẩm của mình. Thậm chí tác phẩm của một vài cây bút trẻ còn được các nhà xuất bản săn đón từ khi còn là phác thảo. Nếu không, bạn vẫn có thể công bố tác phẩm bằng cách nào đó, chẳng hạn đem photo như một nhóm thơ trẻ ở Sài Gòn đã làm. Và một kênh quan trọng đang được nhiều cây bút trẻ chọn làm nơi công bố tác phẩm đó là internet. Trên mạng internet hiện nay không thiếu những website, những forum sẵn sàng đăng tải tác phẩm của những cây bút trẻ. Ngày nay ai cũng có thể tự tạo cho mình một website hoặc một blog cá nhân để công bố tác phẩm của mình.
Tôi cho rằng, sáng tạo của người cầm bút là một quá trình đơn độc, vì thế nhiều khi cũng không cần không khí “hội hè đình đám”. Thế nhưng sự buồn tẻ của không khí sinh hoạt văn chương phần nào cũng sẽ làm thui chột ý thức sáng tạo của nhà văn. Ngày xưa, các cụ vẫn hay tổ chức những buổi đọc thơ bình văn, trao đổi văn chương thi phú. Còn hiện nay các cây bút trẻ mạnh ai nấy viết, đôi khi chẳng thèm đọc của nhau. Phải chăng những không khí sinh hoạt văn chương như thế hiện nay không còn cần thiết nữa?
- Liệu chúng ta có cách nào để tạo dựng một không khí sinh hoạt sôi nổi, thiết thực giữa những người viết trẻ một cách thường xuyên?
* Hội nghị toàn quốc những người viết văn trẻ lần thứ VII vừa diễn ra tại Hội An có thể xem như một cách để Hội Nhà văn Việt Nam tạo dựng không khí sinh hoạt sôi nổi, tạo điều kiện cho các cây bút trẻ giao lưu gặp gỡ và trao đổi sáng tác. Thế nhưng đáng tiếc là hội nghị này 5 năm mới được tổ chức một lần, mỗi lần gặp nhau trong đôi ba ngày thì liệu tác động của nó có được như mong đợi không?
Có lẽ phương tiện hiệu quả nhất hiện nay chính là các phương tiện thông tin đại chúng và đặc biệt là mạng internet. Các cây bút trẻ có thể gặp nhau qua những trang viết, qua những diễn đàn văn học trẻ mà ở đó ai cũng có thể nói lên tiếng nói của mình. Vấn đề ở chỗ ai sẽ là người đứng ra thiết kế những sân chơi như thế.
- Tuy nhiên có người tỏ ý lo ngại về công tác quản lý những “sân chơi” này: nếu không biết cách thì hoặc là những “sân chơi” này sẽ hoạt động mang tính hình thức; hoặc nếu không kiểm soát nổi thì sẽ chẳng khác nào việc đuổi gà ra bắt...
* Nói đến vấn đề quản lý có vẻ như đã vượt quá vị trí của một người sáng tác đơn thuần như tôi. Đương nhiên đã tổ chức ra thì nhất thiết phải có sự quản lý. Và bất kỳ sự quản lý nào cũng phải dựa trên những yếu tố thực tiễn chứ không thể cứng nhắc áp đặt theo một khuôn mẫu định sẵn trước. Vì thế, khi vẫn chưa có ý tưởng cụ thể cho những sân chơi văn chương có tính khả thi thì chúng ta hãy khoan bàn đến điều này. Mỗi sân chơi đều có luật riêng, ai không tuân thủ thì xem như không đủ tư cách hoặc đã tự mình tách khỏi cuộc chơi. Một khi chúng ta tổ chức được những sân chơi hấp dẫn, thu hút đông đảo người tham gia thì sợ gì không tìm ra được người “quản trò” giỏi chứ?
- Tôiđồng ý với bạn và tin tưởng rằng trong thời gian tới, các cây bút trẻ sẽ luôn sống trong bầukhông khí giao lưu, trao đổi thiết thực và sôi nổi. Nhiều tác phẩm có chất lượng sẽ được ra mắt. Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện này.
Bài đăng Văn nghệ Trẻ
Đọc "Những mảnh ghép không logic": Sức sống mạnh mẽ trong thơ
“Những mảnh ghép không logic” (NXB Văn Nghệ và Hội VHNT Tiền Giang, tháng 12-2006) là tập thơ riêng đầu tay của Trương Trọng Nghĩa. Nhà thơ 23 tuổi này được biết đến nhiều với vai trò webmaster của www.thotre.com, một trong những trang web văn chương hoạt động bền bỉ, hiệu quả của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Tập thơ gồm hơn 40 bài của Trương Trọng Nghĩa vừa mang hơi thở trong trẻo hồn hậu của đồng bằng, lại vừa có sự khắc khoải của những người trẻ cảm thấy cô đơn giữa thế giới thông tin.
“Những chú ếch đồng ngày xưa
Bây giờ mùa mưa không còn kêu nữa
Trẻ em lớn lên nghe kể về loài cà cuống
Bắt đầu bằng “Ngày xửa ngày xưa...”
...Tôi đi về phía làng
Mang lên phố những nỗi buồn ruộng rẫy”
Những hình ảnh rất quen thuộc của đồng bằng, tựa như cứ theo nỗi nhớ, tình yêu mà chảy tràn đến từng trang viết, từng bài thơ của Trương Trọng Nghĩa về khung cảnh làng quê - nơi ai cũng từng có những kỷ niệm tuổi thơ khó quên. Hình như thơ của Trương Trọng Nghĩa luôn mang một nỗi nhớ quê - dù anh ở Tiền Giang và luôn lang thang khắp đồng bằng. Nỗi buồn trong thơ Trương Trọng Nghĩa không phải vu vơ, mà xuất phát từ tình yêu quê nhà xen lẫn nỗi sợ hãi một ngày kia cây cỏ, hoa lá và những sinh vật đặc trưng của làng quê sẽ dần dần biến mất khỏi cuộc sống vì đô thị hóa. Nỗi buồn cũng đến từ việc anh cảm nhận nỗi lòng của những dòng người bỏ quê ra phố vì cuộc sống, để nhận một mảnh tâm hồn trống vắng vì nhớ quê.
“Hoa bần xưa giờ vẫn còn trôi
Cần vó treo tuổi thơ tôi mắc cạn
Khúc sông nhỏ mà tình yêu thì vô hạn
Nên miên man ở phía bãi bồi”
“Những mảnh ghép không logic” là tập thơ của một tác giả trẻ, tất nhiên là có nhiều bài thơ tình dễ thương, trong trẻo, tinh tế mà không kém phần da diết mãnh liệt với nhiều cảm xúc ngọt ngào:
“Có một ngày tôi sợ mái tóc dài ngang lưng
Buộc hồn tôi nghẹt thở
Sợ nụ cười tôi đang mắc nợ
Hóa đá ngàn năm
Tôi sợ mình là chiếc lá vô tâm
Chẳng bao giờ hiểu tiếng sơn ca hót
Như gã khờ bị thời gian ăn vụng
Trong lãng quên”
Còn có nhiều mảnh ghép tâm hồn khác làm nên thế giới thơ của Trương Trọng Nghĩa. Có khi là sự cô đơn khi gởi tin nhắn cuối cùng cho người con gái đã mất hút trên mạng, là nỗi sợ những cơn ác mộng và cả niềm khắc khoải vì đôi lúc chợt không hiểu giá trị tồn tại của chính bản thân mình. Đó là tâm sự của những người trẻ, mang đầy khát vọng tự khẳng định và vẫn đang trên đường kiếm tìm hạnh phúc của chính mình.
“Bắt đầu từ phía mưa rơi
Sẽ đi qua hết cuộc đời hanh hao
Đôi lần giữa giấc chiêm bao
Giật mình ngơ ngác buồn xao xác buồn
...Vuột tay rơi mất niềm tin
Đêm thiêng tôi cõng bóng mình chơi vơi
Sớm mai ngồi hát thảnh thơi
Thấy mình vừa mới qua đời. Tái sinh”
Bài đăng trên báo Cần Thơ
Đọc “Những mảnh ghép không logic”: Gặp chút tình quê
Nhà Xuất bản Văn Nghệ và Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang vừa ra mắt tập thơ đầu tay của nhà thơ trẻ Trương Trọng Nghĩa.
Tập thơ nhỏ, in đẹp, trình bày trang nhã có các phụ bản ảnh tinh tế, dung chứa 41 tâm tình “lắp ghép” trong hơn 6 năm mới thành mà chưa logic!
Vẫn là mới tinh và dìu dặt khi Nghĩa viết về làng, về sông, về em, về quê hương “gian khó một thời” mà chàng trai 24 tuổi canh cánh bên lòng:
Tôi đi về phía tuổi thơ
Giẫm lên dấu chân
Những đứa bạn đã rời làng kiếm sống
Đất không đủ cho sức trai cày ruộng
Mồ hôi chẳng hóa thành bát cơm no…
Ngay những trang đầu tập thơ, hơi thở Trương Trọng Nghĩa đã nghe bắt đầu trúc trắc, thậm chí buồn:
Thôn nữ bây giờ không còn hát dân ca
Cũng thôi để tóc dài ngang lưng nữa …
Trương Trọng Nghĩa rất thật lòng, bình dị đến nôn nao khi viết về làng nghề:
Ông nói vui mà tôi nghe thật buồn.
“Bây giờ cha truyền
Nhưng con cái chắc gì chịu nối”
Sông càng chảy càng xa nguồn cội
Con sãi ở chùa chẳng còn quét lá đa…
Nghĩa nhìn anh nông dân lái máy cày cày ruộng mà như vẽ tranh, vẽ những đường loằng ngoằng, những nét lổm chổm, những gam màu nâu đen mà ước mình được làm hạt giống tốt để gieo mùa vàng và chợt thấy “Những luống cày hình xoắn ốc/Nở hoa”… Quả là tình quê ấy không phải ai cũng có!
Với con sông quê, Nghĩa nhớ mùa lũ tới, mang phù sa mới, hàng dừa, giàn mướp bên sông xưa, tác giả bắt con chuồn chuồn cho cắn rún để biết lội; hoa bần, cần vó, chú cá lìm kìm, cá thòi lòi vẫn còn đó… nhưng con sông đã trôi tuổi thơ anh bao mùa rồi! Đặc biệt, bên dòng sông đó, có người con gái ngồi giặt áo, anh từng tặng hoa mua, nhưng:
Rồi em cũng có chồng, có con
Ngày gặp lại, anh thành “người cũ”
Thương em suốt một đời lam lũ
Lặn lội thân cò mặn giọt mồ hôi…
Trương Trọng Nghĩa dường như chưa ra khỏi góc quê hương bé nhỏ của anh, dù ở đó, cuộc đời mẹ anh, một chuỗi lo âu cơ cực, bao năm bám đất, bưng bát cơm nghe nặng nghĩa tình, nghe vị mặn thấm đau đầu lưỡi; ở đó, có chị của anh tảo tần nuôi con trai, kết quả một cuộc tình trắc trở; ở đó, con trở về tay chạm mảnh hồn làng, đau đáu giấc mơ trong nỗi nhớ… khắc khoải tuổi thơ; ở đó, mùa lũ, những giấc mơ chìm trong nước, cha anh kê đồ đạc trong nhà, lên gác; mẹ anh, chị anh bơi xuồng gặt lúa chạy lũ ngoài đồng… làm se thắt lòng anh.
Với riêng mẹ Nghĩa, bài “Đôi bàn tay mẹ” là bài thơ hay. Bàn tay mẹ anh có mùi bùn non vì mẹ cấy đồng sâu lâu ngày; có mùi khét nắng vì trưa đổ lửa; có mùi tanh nồng vì tay mẹ vẫn bắt cá sặt, cá rô; có hương gạo mới; có mùi khói rơm nồng nàn; có mùi dầu phong thấp mẹ xoa chân tay đau khớp mỗi đêm. Chi tiết hơn, anh thấy bàn tay mẹ ngón trỏ bám phèn, ngón giữa lấm lem, ngón út dính đầy mủ chuối, vậy mà … khi vuốt tóc anh, đôi bàn tay ấy vẫn êm như ru và mẹ nói “các con hãy giữ mình sạch trong”. Ôi, bà mẹ Nghĩa tuyệt vời tột bực.
Từ tình quê mơn man đó, Nghĩa đi làm trên phố, anh luôn muốn tìm cái mới, cái cao hơn cho cuộc đời mỗi ngày. Sáng ra, ngồi nhìn những giọt cà phê tan, tan, tan, anh đã hỏi: Tại sao một ngày cứ phải bắt đầu bằng những tia nắng chán phèo, những tầng cao thành phố, dưới đó, dòng người rượt đuổi nhau hối hả, nhập nhàng, sao chỉ có tiếng nhạc não tình nghe rất sến?… Cái tuổi 24 đã hiện lên hoài bão, nên ở bài thơ khác, những điệp khúc vui xuất hiện:
Bóng tối tan dần theo tiếng động cơ
Vướng lại trên phin cà phê sáng
Ngày bắt đầu từ động tác khỏe khoắn…
Bên cửa sổ một ngày mới lên
Những giọt nắng long lanh
Trong đôi mắt cô bé nhà kế bên …
Và anh tự tin hơn rất nhiều khi viết:
Tôi đi qua những mùa nắng hanh hao
Về đứng giữa đất trời mênh mông
Tự hát…
Trong mấy chục bài thơ của Nghĩa, có một bài thơ được Quỳnh Hợp phổ nhạc, tôi bắt gặp Tình Yêu của Nghĩa, người con gái có đôi mắt ướt, có mái tóc dài ngang lưng, có nụ cười quá đẹp, có tiếng nói như sơn ca hót và dường như anh vẫn chưa chạm lần nào.
Gió đâu gió mát sau lưng
Nhớ ai như “nhớ người dưng” vậy “khờ”.
Không, chắc cũng nên thông cảm Nghĩa, năm nay Nghĩa mới 24, nhút nhát vậy cũng là dễ hiểu.
Phần sau tập thơ là “Cõi ảo” của Nghĩa, đúng là phần mà anh cho là “những mảnh ghép không logic” trong anh. Dù sao, tập thơ đầu tay cũng cho thấy một Trương Trọng Nghĩa nặng tình, thứ tình quê chơn chất mà những ngày xưa rất xa, tôi cũng có. Nên đồng cảm.
Nhà thơ Trần Anh Tài
(Báo Khoa học phổ thông)
Kẻ đi tìm dòng sông thơ ấu…
Có một tên thanh niên, lang thang trong giấc mơ, tìm tòi, suy niệm về cái được gọi là tuổi thơ ấy... rồi khi tìm được, bất chợt quay lại với hiện tại... thấy mình sao nhỏ bé quá, sao thấy cô đơn là vậy, sao ngày ấy cứ xa xa mãi, như những con sóng gợn lăn tăn trên dòng sông Tiền xanh mát, bao la.
Trong ai cũng có một dòng sông, để thương nhớ, để kí gởi những kỉ niệm và tâm tư. Vậy đó, thế là sông nghiễm nhiên trở thành một thực thể sống động, một dòng truyền tải những cảm xúc dạt dào nhất... Với tên thanh niên miệt vườn này, có lẽ những ký ức tuổi thơ cũng đã quyện hặt với con sông tự lúc nào rồi. Và bất chợt, túi thơ của hắn mở bung ra, nhẹ nhàng nhưng cũng đủ khiến kẻ xa quê, chợt lắng lòng lại, và nghe buồn đứt ruột...
“Trong giấc mơ hằng đêm
Ký ức tuổi thơ lại trở về nguyên vẹn
Khúc sông hiền hoà những buổi trưa hè ngụp lặn
Bắt con chuồn chuồn cắn rốn tập bơi”
Chỉ còn lại chính mình, trong những giấc mơ, hồn quê nơi kí ức của tên con trai dám rời đất mẹ lên thành lập nghiệp mới trở về chăng? Có lẽ là không, nó vẫn cứ hiện ra, rồi tắt ngấm trước những bộn bề công việc, trước vô vàn những bài ca sặc mùi thị thành, trước lịch làm việc dày đặt, trước những con đường đầy nắng, hai bên là dãy nhà cao tầng san sát nhau, bỗng khiến người ta thèm, thèm một bóng mát của giàn bầu bí, chỉ một chút thôi, nhỏ ơi là nhỏ, cũng đủ thấy lòng mình mát lạ... Chính trong giấc mơ, khi những âm thanh, những cuộc chạy đua với thời gian, tam thời lắng xuống, cái chất quê mới lồm cồm bò dậy, lật đật chạy đến bên tên thanh niên ấy, nhắc về một thời xa cũ, một tuổi thơ thơm lựng như trái bình bát chín cây, chua chua ngọt ngọt như cái xoài hái trộm nhà trong xóm, rắc thêm miếng muối ớt... cắn vào nghe cái rụp...một cái thuở thoang thoảng như hương ổi... và hắn nhớ về những buổi trưa tắm mát, những lúc ngây ngô học bơi bằng con chuồn chuồn ớt... nghe nhắc lại, đựơc gội mát, dòng ký ức thừa cơ, hay vô tình gì đó tràn về, như một đoạn phim quay chậm, hắn nhớ về hoa bần, hắn nhớ về cái cần vó, hắn nhớ về dòng sông bên lỡ bên bồi, hắn nhớ lắm... nhớ về một tuổi thơ...
“Hoa bần xưa giờ vẫn còn trôi
Cần vó treo tuổi thơ tôi mắc cạn”
Hoa bần trôi trong dòng nước, cứ lênh đênh, lác đác, phiêu lãng... hoa thì nhỏ, mà bến nước thì mênh mông... người thì chỉ một mà đời thì vô tận... con người chợt cảm thấy cô đơn, từng hình ảnh của bài thơ đều gợi lên một điều gì đó để nhớ để thương, mà còn là cả những điều cần suy nghĩ, khi cô đơn, con người phải đi tìm nơi bấu víu... bấu víu vào đâu đây giữa cuộc sống bộn bề, giữa biết bao trắng đen, xấu tốt? Chỉ còn núp bóng vào tuổi thơ, vào nơi quả thị thơm cô Tấm diệu hiền... nhưng hình như tuổi thơ ấy đang bị “mắc cạn”, mắc cạn giữa dòng đời, mắc cạn giữa những cuộc vui, mắc cạn giữa chính nơi quê làng, cây “cần vó”... tuổi thơ mắc cạn, hắn loay hoay chuyển tình yêu sang cho dòng sông nhỏ, nhưng than ôi, dòng sông ấy cũng không đủ là nơi nương tựa, là nơi ôm ấp một linh hồn luôn khao khát tình cảm, luôn khao khát yêu và được yêu, có một điều gì đó cứ bàng bạc đâu đây... hình như tình yêu của hắn - tên con trai yêu quê cứ len lỏi qua từng vần thơ, từng điệu thơ...
“Khúc sông nhỏ mà tình yêu thì vô hạn
Nên miên man ở phía bãi bồi”
Thi thoảng, ngồi nơi quê làng, cảm nhận cái nóng của trưa hè, hậm hực qua từng chiếc lá, chợt có làn gió mát thổi qua, lang thang trên những liếp vườn trồng cà, trồng ớt, khua động mặt ao loang loáng nước, cợt đùa mái lá nghe loạt soạt. Rồi quyện trong gió là tiếng cải lương phát ra từ cái radio cũ từ nhà bên, nghe sao mà buồn, buồn một nỗi buồn ruộng rẫy...
Tên thanh niên nhà quê lãng tử ấy, hình như yêu sông, yêu quê qua những buổi trưa như thế, yêu con sông qua những mùa nước lũ tràn bờ, yêu con sông, yêu từng hạt phù sa vun đắp nên bãi, nên bồi... yêu con sông, yêu cả tuổi thơ mà con sông đang chở trên lưng...
“Nơi dòng sông đi qua
Tình yêu tôi còn cồn cào đôi bờ bãi
Tuổi thơ trôi qua biết bao mùa lũ
Hạt phù sa in dấu hình hài”
Tình yêu không tìm nơi bến đậu, lãng du, phiêu bạt nơi quê nhà, rồi thi thoảng, chợt nhận ra mình đang cần cần lắm một ai đó, hiểu hắn, và bình dị, chỉ im lặng, và chia sẻ trong lặng im, vì hình như:
“Nửa đêm giật mình tỉnh giấc
Quanh tôi là bóng đêm...
Đối diện với nỗi sợ hãi
Tôi chỉ là kẻ hèn nhát không hơn không kém
người ta thường có những ý nghĩ vẩn vơ khi ở trong bóng tối
nơi đó, tôi tìm thấy mình, tầm thường và nhỏ nhoi.”
(Độc thoại đêm)
Hắn sợ một nỗi sợ dường như không cùng với cụ Tú Xương ngày trước, cụ sợ một cuộc sống đổi thay, còn hắn, hắn sợ một ngày hắn không còn nơi nương náu, hắn không còn nơi an ủi, không còn nơi gửi gắm những tâm tư... những bài thơ có vẻ sặc mùi rượu, nhưng hình như hắn tỉnh hơn khi say, cũng có những bài thơ hắn viết ngọt như nước sông, hiền hoà, mà sâu lắng...
“ Tôi - chú cá lìm kìm mãi đùa bóng nước
Biết ai giữ dùm con sóng nhỏ ngày xa?”
Hắn lại viết về con cá lìm kìm, như bấu víu thêm một lần nữa vào hai tiếng quê nhà, hắn cố gắng đưa thât nhiều tiếng có hương của quê vào thơ để tìm sự an tâm... ừ, mình vẫn còn nơi nương náo... hắn nhìn hắn là chú cá đùa bóng nước, cứ đùa mãi hay sao? Con sóng nhỏ là tuổi thơ cũng được, là tình yêu cũng được, là mơ ước cũng được, là nỗi sợ bị che giấu cũng được... nhưng có bao giờ hắn là con sóng nhỏ ấy không?
Ước gì quê nhà vẫn hiện ra trong thơ anh, nhưng quê sẽ đẹp hơn, sẽ trong hơn, sẽ thiện mĩ hơn, nếu như anh biết nhìn ra quê hương là hiện tại, quê không hẳn chỉ là những tuổi thơ, quê không chỉ là kí ức... anh sẽ vẫn tìm thấy quê nơi lòng phố bộn bề, nếu trong anh, quê vẫn còn phủ màu xanh của bạt ngàn ruộng lúa...
Cao Ngọc Hồng Ân
Trương Trọng Nghĩa: Hội nghị là "chất men" giúp tôi hâm nóng tình yêu văn chương
Nhân dịp Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần 8 (Hội nghị NNVVT) vừa diễn ra tại Tuyên Quang, Yume đã có một cuộc trao đổi nho nhỏ với nhà thơ Trương Trọng Nghĩa, đại biểu của tỉnh Tiền Giang xung quanh chuyến đi này.
Yume: Xin chào anh. Cảm nhận của anh ra sao về Hội nghị NNVVT toàn quốc lần này? Hội nghị đã để lại trong anh những ấn tượng gì sâu sắc và đáng nhớ nhất? Gợi lên trong anh suy nghĩ và trăn trở gì hay không?
Trương Trọng Nghĩa: Hội nghị lần này thật sự đã đem lại không khí ngày hội của những người viết trẻ trong cả nước, là nơi để những người viết văn trẻ có dịp gặp gỡ, học hỏi, trao đổi, giao lưu… lẫn nhau trong một không khí thật thoải mái và cởi mở; thể hiện được nhiệt huyết, tinh thần của những người viết trẻ. Đây cũng là cơ hội để những cây bút trẻ như tôi nói lên tiếng nói đồng thời ý thức rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của mình.
Tôi ấn tượng nhất với các buổi hội thảo chuyên đề như: “Văn trẻ - Nhận diện và phát triển”, “Thơ trẻ dòng chảy và công chúng” với nhiều vấn đề thiết thân, nóng hổi hiện nay đã được các đại biểu phân tích, mổ xẻ và tranh luận.
Trương Trọng Nghĩa trong chuyến đi
Yume: Hội nghị lần 8 hầu như “trẻ” đúng nghĩa (các tác giả tuổi còn rất trẻ, mới sáng tác…). Theo một số người nhận xét, lớp tác giả 8X hiện nay chưa có những tác phẩm thực sự xuất sắc, đỉnh cao so với lớp tác giả 7X đã thành danh như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần… Anh có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này, có cảm thấy buồn vì tác phẩm của mình bị cho là “nhạt”, chưa thực sự nổi bật hay không?
Trương Trọng Nghĩa: Thực tế đời sống văn học cho thấy, không phải lúc nào trên văn đàn cũng xuất hiện những tài năng văn học cùng với những tác phẩm đỉnh cao. Phải qua một khoảng thời gian rất dài, rất trống vắng thì mới có một tên tuổi như Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện.
Nếu thế hệ 8X chúng tôi chưa đủ tài năng để tạo ra tác phẩm đỉnh cao xin giao lại trọng trách ấy cho thế hệ 9X hoặc sau đó nữa, bởi con đường văn chương là một con đường dài với nhiều biến động, nhiều sự tiếp nối và không thiếu những yếu tố bất ngờ.
Nhiều cây bút có tên trong danh sách tham dự hội nghị lần này đã tạo cho tôi ấn tượng và cảm xúc khi đọc tác phẩm của họ. Tôi tin sau hội nghị, tên tuổi của một hoặc nhiều cây bút trẻ ấy sẽ tiếp tục tỏa sáng. Có thể lắm chứ!
Yume: Về phương diện cá nhân, anh đánh giá như thế nào về “mặt bằng” văn thơ trẻ trong nước hiện nay? So với văn chương của các nước trong khu vực (Nhật Bản, Trung Quốc…), văn thơ trẻ Việt Nam có ưu và nhược điểm gì? Các tác giả trẻ phải làm gì để góp phần cải thiện nhược điểm và thúc đẩy ưu điểm của thơ văn trẻ VN phát triển?
Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi lực lượng những người viết văn trẻ hiện nay có thể nói là đông nhưng lại khá biến động về số lượng. Sự xuất hiện của nhiều cây bút trẻ trên văn đàn, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã mang đến cho văn học đương đại nhiều sự mới mẻ, trẻ trung và mang đậm dấu ấn sáng tạo. Tuy nhiên, số tác giả có tác phẩm được dư luận chú ý vẫn chưa nhiều.
Về nội dung, văn học trẻ hiện nay khá đa dạng và phong phú với rất nhiều dòng chảy khác nhau. Biên độ các đề tài được các tác giả trẻ khai thác trong tác phẩm của mình được mở rộng tối đa. Tuy nhiên tôi có cảm giác các tác phẩm chạy theo thị thường, chạy theo các trào lưu thời thượng, khai thác mảng đề tài “nóng” như đồng tính, tính dục hơi nhiều. Hiếm có những tác phẩm tìm được cho mình một chỗ đứng riêng.
Một hạn chế khác, đó là hiện nay hầu hết các cây bút trẻ chỉ xem văn chương là cái nghiệp chứ không phải cái nghề, thậm chí nhiều bạn chỉ xem văn chương là một cuộc dạo chơi hơn là lao động nghiêm túc.
Yume: Đến với văn chương, anh đã “được” và “mất” những gì? Và anh cảm thấy hài lòng hay nuối tiếc với sự “được” và “mất” đó?
Trương Trọng Nghĩa: Đến với văn chương tôi được nhiều thứ hơn là mất. Trong đó có việc được nói lên cảm xúc và suy nghĩ của bản thân mình, thế hệ mình. Đến với văn chương tôi cũng được quen biết với nhiều nhà văn nổi tiếng cũng như những bạn văn chương cùng trang lứa trong cả nước. Bạn bè văn chương chơi với nhau rất thân tình. Tôi cảm thấy ấm lòng vì điều đó.
Yume: Anh có định hướng gì sau khi tham dự Hội nghị NNVVT lần này?
Trương Trọng Nghĩa: Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc là dịp để những cây bút trẻ chúng tôi được gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ với nhau những vấn đề tâm huyết. Đây chính “chất men” giúp tôi hâm nóng lại tình yêu văn chương, và là một cú huých tiếp thêm động lực viết lách. Đồng thời đây cũng là dịp để nhìn lại mình, nhìn những bạn bè văn chương xung quanh để tự tìm cho mình một hướng đi tốt trong tương lai.
Tôi thường sáng tác theo cảm xúc hơn là hướng mình vào một khuôn khổ nào đấy. Tuy nhiên những điều bổ ích thu thập được tại hội nghị lần này chắc chắn sẽ tạo ra nhiều biến chuyển trong tập thơ thứ 2 của tôi dự định sẽ in trong năm nay.
Xin cảm ơn và chúc anh sẽ gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp viết lách của mình. Chúc sự nghiệp văn chương của thế hệ trẻ 8X sẽ được mùa sau kì Hội nghị.
Trương Trọng Nghĩa tiếc cho văn trẻ miệt vườn
Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần 8 ở Việt Bắc tháng 9.2011
Bài đăng trên website Nhà văn TP.HCM
Thơ Trương Trọng Nghĩa - Đau đáu giấc mơ trong nỗi nhớ
Bài đăng trên báo Bình Dương
Radio online của những người trẻ... online
Một lần vì tò mò thử click vào, tôi không khỏi ngạc nhiên: "Ồ, giọng đọc và câu chuyện của những người bạn online - có khi mình chưa từng gặp mặt, hoặc cách xa mình hàng ngàn cây số đấy ư!".
Cách đây hơn hai tháng, bản radio online số đầu tiên của chàng trai sinh năm 1983 có gương mặt hiền như đất Trương Trọng Nghĩa (từng đoạt giải thơ Bút mới của báo Tuổi Trẻ) đã "oe oe" chào đời trên diễn đàn http://diendan.thotre.com. Anh bạn PV của tạp chí Văn nghệ Tiền Giang này đã tự thu âm ở nhà các chương trình radio với vốn liếng kỹ thuật của những năm học tại trường Trung học phát thanh truyền hình 2.
Tự nhận giọng nói của mình phát âm chưa chuẩn, "nghe hơi không được hay", nhưng Nghĩa đã có thêm người bạn MC là Thùy Trang, nên radio của Nghĩa vẫn thu hút khá đông lượt truy cập. Đến nay, Radio Thơ Trẻ Online của Nghĩa đã ra được bản số 5, với nhiều nội dung về thơ văn như: giao lưu; Nghệ thuật sống; Tin văn nghệ; Không gian thơ với các tác phẩm thơ của những cây bút trẻ; Thơ phổ nhạc... Càng ngày, nội dung radio của Nghĩa càng phong phú hơn, với nhiều nội dung hơn. Chăm chút cho nội dung kịch bản, đến phần thu tiếng và mix lại, tranh thủ những chuyến công tác như đi dự Hội nghị nhà văn trẻ hay đi thực tế sáng tác, Nghĩa lại có dịp "chộp" một ai đó để giao lưu trên diễn đàn của mình như cây bút Ngô Thị Thanh Vân ở Gia Lai trên chương trình số 5 vừa rồi.
Song, do việc gầy dựng diễn đàn đến việc làm radio chỉ đơn giản xuất phát tất cả từ niềm yêu thích của một cây bút trẻ, nên Nghĩa cũng gặp không ít khó khăn. "Radio online luôn lọt vào top 10 bài được xem nhiều nhất trên diễn đàn nên radio chiếm rất nhiều băng thông của diễn đàn. Vì tất cả kinh phí làm diễn đàn và radio đều do mình tự túc, nên cũng có khi gặp khó khăn. Nhưng do nhiều bạn bè động viên nên mình sẽ cố gắng làm đến khi nào có thể", Nghĩa cười chia sẻ.
Còn với nhóm bạn KHK (tên tắt từ nick của ba bạn trẻ Đăng Khoa, Đình Khánh và Ngọc Thanh) thì lại có những radio online nhiều nội dung về văn hóa, xã hội... được phát trên các diễn đàn (nhiều nhất là trên diễn đàn http://www.vietnam-life.com/portal/default.asp), trong đó có các forum của du học sinh. Quen biết nhau qua các forum, các thành viên của nhóm khởi sự cho radio online của mình đã hơn 4 tháng và đến giờ toàn bộ công việc cũng chỉ được thực hiện qua online vì... chưa ai gặp mặt ai. Các radio online của KHK còn "đặc biệt" ở chỗ: một thành viên trong nhóm là Đình Khánh, cũng là giọng đọc của hầu hết các radio lúc đó đang du học ngành Hán ngữ ở Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh!
"Lúc đầu nhóm chỉ làm chương trình giới thiệu các ca khúc tiếng Hoa, sau đó bắt đầu "lấn sân" qua các chương trình mang tính xã hội khác, đề cập đến những vấn đề nóng của XH như là vấn đề nạo phá thai trong giới trẻ. Tuy những radio đầu tay, giọng đọc của mình hơi... tệ hại, đọc vấp, không đủ diễn cảm, nhưng được các bạn động viên nên đến giờ thì mọi thứ ổn hơn nhiều rồi", Khánh bộc bạch những khó khăn của một MC "tay ngang".
Khi được hỏi về ước mơ của nhóm cho tương lai, Đăng Khoa, cựu SV ĐH Kinh tế và hiện tại đang theo học tại Học viện công nghệ thông tin NIIT không khỏi hồ hởi: "Chúng mình dự định lập một công ty chuyên hướng dẫn kỹ thuật, viết kịch bản, "thuê" MC cho các diễn đàn nào muốn làm radio và đặc biệt là "giành" được một chiếc vé cộng tác với Tuổi Trẻ Online để làm chương trình Radio Online do Tuổi Trẻ Online thực hiện, đang rất được người nghe trên mạng yêu thích"...
Đang tạm thời "lui nghỉ" chuẩn bị cho một số chương trình mới, KHK hứa hẹn sẽ quay trở lại với "cuộc chơi" của những người trẻ online trên các diễn đàn qua những tác phẩm radio, tạo hơn nữa hiệu ứng cho cộng đồng ảo, thay vì đọc, họ có thể nghe...
Bích Dậu
Bài đăng báo Tuổi Trẻ
Website của chàng trai mê “vọc web” và mê thơ
“… là nông dân chính hiệu”
Nghĩa sinh năm 1983, quê ở Chợ Gạo, Tiền Giang, từng tham gia CLB Văn học của Nhà Văn hóa thanh niên TP.HCM, hiện đang công tác tại Tạp chí Văn Nghệ Tiền Giang (trực thuộc Hội VHNT Tiền Giang).
Website Thơ Trẻ ra đời vào tháng 9-2005, nhưng ngay từ đầu năm 2003, Nghĩa đã lập ra diễn đàn Thơ Trẻ trên mạng. Khi “liều mình” bắt tay vào thực hiện website Thơ Trẻ, Nghĩa chưa hề biết gì về cách thức làm web. Nếu vào xem website của Nghĩa, bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng đến lúc này Nghĩa chưa có bằng A tin học. Nghĩa tâm sự: “Trước giờ mình có học chuyên về tin học ở trường lớp nào đâu? Quê mình ở vùng sâu, mình là nông dân chính hiệu đấy. Học xong phổ thông trung học mà mình vẫn chưa biết con chuột máy vi tính...”.
Thơ Trẻ mang slogan: “Không gian thơ trên NET”, với mục đích tạo ra một nơi giao lưu, gặp gỡ, một không gian thi ca để ai cũng có thể dừng chân ghé lại mỗi khi lang thang trên Net. Toàn bộ công việc coi sóc từ nội dung đến kỹ thuật của trang Web đều do Nghĩa tự làm với sự ủng hộ, giúp đỡ của những người bạn trên mạng, trong đó nhiều người Nghĩa chưa từng biết mặt. Một đôi lần Thơ Trẻ cũng đã bị hacker tấn công, rồi có khi phải tạm thời đóng cửa do số người truy cập quá đông nên host bị hết băng thông mà ông chủ “quán thơ” không có tiền đăng ký thêm… Với Nghĩa, những chuyện vui buồn với trang web này đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Không gian thơ trên Net
Website Thơ Trẻ hiện được cập nhật khá thường xuyên, bám sát những tin tức thời sự văn học. Nghĩa cho biết, số lượng bài viết do độc giả gửi về khá nhiều, có bạn gửi về cho Thơ Trẻ cả tập thơ, chủ yếu là các sáng tác (văn, thơ, lý luận - phê bình,…). Bạn có thể tìm thấy ở đây tác phẩm của nhiều tác giả trẻ với lối viết mang đậm phong cách đương đại đã có tên tuổi trong làng văn học như Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Ngọc Tư, Vũ Đình Giang, Phan Hoàng, Đoàn Phương Huyền, Võ Mạnh Hảo, Ngô Thị Hạnh, Ngô Thị Thanh Vân,… và cả những cái tên mới bước vào con đường viết lách còn ít người biết đến. Mới đây, nhân kỷ niệm 2 năm hoạt động, website Thơ Trẻ đã tổ chức một cuộc thi thơ online dành cho mọi độc giả yêu thơ, thu hút gần 2.000 bài dự thi của các độc giả cả trong và ngoài nước tham gia, gây được tiếng vang với độc giả yêu thơ.
Các tin tức thời sự văn học hiện nay Thơ Trẻ chủ yếu lấy từ các tờ báo điện tử. Tỉ lệ giữa 2 nguồn này trên Thơ Trẻ hiện nay vào khoảng 40% của Thơ Trẻ và 60% từ nguồn khác. Trên diễn đàn, thì ngược lại: 60% là bài viết của thành viên và 40% sưu tầm từ nguồn khác. Nghĩa cho biết, trong thời gian tới, Thơ Trẻ sẽ cố gắng tăng tỉ lệ bài viết riêng của web lên khoảng 60%.
Thơ Trẻ cũng từng “nổi tiếng” có một chương trình radio online rất hấp dẫn do chính Nghĩa tự biên tự diễn, “để bạn đọc có thể nghe thơ khi lướt Net”. Chuyên mục radio online của Nghĩa cũng khá dày dặn với thời lượng 30 phút gồm các chuyên mục như: Không gian thơ, Nghệ thuật sống, Cảm nhận âm nhạc, Lời hay ý đẹp, Quà tặng âm nhạc, Thơ phổ nhạc, Tin Văn nghệ,… Rồi do bận rộn, lại không có tiền mở rộng dung lượng host và băng thông, chương trình radio online của Thơ Trẻ đã phải tạm dừng lại trong niềm tiếc nuối của nhiều thính giả. Nghĩa cho biết, tới đây sẽ cố gắng khôi phục lại chương trình này, vì nhiều bạn đọc thúc giục quá.
Tiếp thị văn chương
Khi được hỏi về xu hướng phổ biến tác phẩm qua mạng của các tác giả trẻ, Nghĩa cho biết: “Đúng là có một bộ phận những cây bút 8X đang có xu hướng thích phổ biến tác phẩm của mình trên mạng hơn là các phương tiện khác. Điều này cũng dễ hiểu vì giới trẻ hiện nay tiếp xúc với Internet rất nhanh và hầu như lên mạng mỗi ngày. Việc đưa bài viết lên Internet cũng tương đối dễ. Điều đó dẫn đến một thực tế là nhiều cây bút khá nổi đình đám trên một số website, một số diễn đàn trong khi những người không lướt Net vẫn chưa biết là ai, và cả hiện tượng “xuất bản ngược”, in sách sau khi tác phẩm đã công bố và tạo được dư luận trên Internet.
Nói về quan điểm của mình đối với khái niệm “tiếp thị văn chương” qua mạng, Nghĩa cho rằng: “Tiếp thị văn chương” là một việc làm hết sức cần thiết trong thời buổi hiện nay. Gần đây trên mạng có cả lời rao bán 1000 bài thơ qua mạng của một cây bút trẻ ở Hà Nội. Tôi cho rằng rồi sắp tới đây, ai cũng có thể sở hữu một website riêng hay ít ra là một blog cá nhân để tự “tiếp thị”. Chính vì vậy, hiện nay Thơ Trẻ cho phép thành viên tạo blog riêng để giới thiệu những tác phẩm của mình một cách dễ dàng. Tuy nhiên, tôi nghĩ chuyện in sách vẫn rất cần thiết, vì độc giả của web chỉ là số ít trong số những người sử dụng Internet”.
Nguồn: e-Chíp số 131, ngày 14/03/2008
Nhà thơ trẻ Trương Trọng Nghĩa: Mong thotre.com sẽ là điểm dừng chân của người yêu thơ
* PV: Thưa anh trang thotre.com được ra đời như thế nào? Mục đích của thotre.com là gì?
- Thotre.com được khai sinh ra ngày 16-2-2003. Thơ Trẻ vừa thổi nến mừng sinh nhật lần thứ 3 của mình. Ban đầu, Thơ Trẻ chỉ là một diễn đàn trong hệ thống www.friendscircle.net với tên gọi “Thơ Trẻ phố rùm”. Website hiện nay chỉ mới ra đời từ ngày 24-9-2005. Tôi làm trang web này từ thời sinh viên, còn bây giờ thì đã về công tác tại Hội VHNT Tiền Giang. Lúc đó, tuy là sinh viên báo chí, nhưng tôi đã yêu văn thơ và tập tành làm quen với internet, rồi web. Niềm đam mê thơ cộng với mê web đã thôi thúc tôi tạo lập nên thotre.com.
Mong muốn của tôi khá đơn giản: Thơ Trẻ sẽ trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ của những bạn trẻ yêu văn học. Lớn lao hơn một chút, tôi còn ước mong nơi đây sẽ là điểm hẹn và giới thiệu những sáng tác đầu tay của những cây bút trẻ.
Trang chủ Thotre.com
* PV: Tại sao anh lại khởi đầu bằng diễn đàn mang tên “Thơ trẻ phố rùm”? Anh quản lý diễn đàn này như thế nào? Những ý kiến quá khích hay “lạc đề” có thể “lọt” vào diễn đàn không?
“Thơ Trẻ phố rùm” là đọc trại ra của Thơ Trẻ forum, tức là diễn đàn Thơ Trẻ. Trong diễn đàn, tôi chỉ chịu trách nhiệm chung còn phần điều hành thì có những bạn khác trong ban quản trị. Hầu hết các diễn đàn trên mạng hiện nay đều để cho thành viên post bài trước rồi mới quản trị sau. Cũng có vài sự cố, nhưng hầu hết đã được Ban quản trị xóa đi lập tức. Tuy nhiên từ hồi còn là một forum đến nay trang web đã được ba tuổi, theo tôi thấy hầu hết các thành viên của diễn đàn rất hòa nhã và ít có ý phá phách.
“Thơ Trẻ phố rùm” chỉ là diễn đàn tạm thời. Hiện tôi đang xây dựng một diễn đàn với nhiều tính năng hơn tại địa chỉ:http://diendan.thotre.com. Tôi đang chạy thử nghiệm diễn đàn này khoảng nửa tháng nay, chưa công bố nên chưa có nhiều thành viên và bài viết. Đây sẽ là diễn đàn chính của Thơ Trẻ sau này. Sau khi đăng ký một account, thành viên có thể gửi bài viết của mình lên cũng như thảo luận, trao đổi về bài viết của những thành viên khác.
* P.V: Anh tập hợp bài vở như thế nào? Những ai là cộng tác viên thường xuyên của thotre.com?
- Bài vở trên Thơ Trẻ từ 3 nguồn chính: Bài của các bạn thành viên diễn đàn, của độc giả trong và ngoài nước khi ghé Thơ Trẻ gửi cho chúng tôi đăng lên. Bài của các bạn trong CLB Sáng tác Văn học trẻ Tiền Giang và các anh chị trong Hội VHNT Tiền Giang, nơi tôi đang công tác. Các tin tức liên quan đến văn thơ từ các báo và website trong nước như: Tuổi Trẻ, Evăn, Tiền Phong, Thể thao Văn hóa, Văn nghệ…
Số cộng tác viên thường xuyên của Thơ Trẻ hiện nay chưa nhiều, có thể kể ra một vài cây bút trẻ như: Khương Hà, Phạm Khánh Liêm, Minh Châu, Nguyễn Quốc Vũ, Hoàng Hùng Hà… Và một số cây bút “không trẻ” như: Lá Me, Hoàng Thu Dung, Võ Tấn Cường, Phan Thành Minh, Nguyễn Thánh Ngã, Mai Hữu Phước, Ngô Hữu Đoàn…
* PV: Việc duy trì một trang web theo sở thích như vậy có chiếm nhiều thời gian của anh không? Điều thu được lớn nhất khi anh lập trang web này là gì? Còn việc sáng tác văn chương của riêng anh thì sao?
- Thực tế, tạo ra một trang web không khó, nhưng duy trì được nó thì là cả một vấn đề. Để duy trì được thotre.com đến ngày hôm nay, tôi đã đầu tư nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc. Trước hết là phải tốn chi phí đăng ký tên miền, rồi thuê máy chủ để duy trì. Trang web phải được cập nhật hằng ngày, bởi vì tâm lý của “dân net” là phải thấy được cái gì đó mới mẻ mỗi khi lướt qua một trang web nào đó, thì họ mới ghé lần thứ hai, thứ ba… Một vấn đề khác là phải canh chừng giữ an toàn cho trang web, kiểm soát thông tin, chẳng hạn như tháng hai vừa qua, Thơ Trẻ bị một nhóm hacker ở tận Thổ Nhĩ Kỳ tấn công, thay đổi trang chủ, phải mất nhiều công sức phục hồi. Đôi lúc tôi nghĩ: việc gì mình phải khổ sở như thế này? Nhưng niềm đam mê đã giúp tôi giữ Thơ Trẻ vẫn còn tồn tại đến nay.
Từ khi Thơ Trẻ ra đời tôi đã có thêm nhiều bạn bè văn chương ở nhiều địa phương trong và ngoài nước. Các thành viên trong diễn đàn thỉnh thoảng vẫn tổ chức offline để gặp gỡ nhau và giao lưu với nhau rất vui vẻ. Nhờ thường xuyên theo dõi tin tức để cập nhật cho Thơ Trẻ nên tôi cảm thấy mình không bị “lạc hậu” trước tình hình văn học rất sôi động hiện nay. Tôi cũng nhận được rất nhiều sự động viên và chia sẻ từ những người yêu văn thơ và đặc biệt là cả những người không còn trẻ về tuổi đời nữa.
Hiện tôi vẫn đang viết, khi nào thích thì viết. Tôi từng cộng tác với trang Sáng tác của báo Cần Thơ bằng 3 - 4 bài thơ gì đấy và cũng thường có sáng tác trên các báo và trang web văn nghệ.
* PV: Xin cảm ơn anh.
Bài đăng trên báo Cần Thơ, Thứ tư, 22/3/2006
Ông "bầu thơ" 8X và cuộc thi thơ online lần thứ nhất
Vượt đường trường từ TP.HCM ra thủ đô để trao giải cuộc thi thơ online trên Thotre.com cho các tác giả ở Hà Nội, chàng trai 8X Trương Trọng Nghĩa đã làm không ít bạn trẻ yêu thơ phải ngạc nhiên khi một mình anh tạo dựng website Thotre.com và kiêm luôn chức ông bầu cho cuộc thi thơ online lần thứ nhất.
"Đứa con ảo" của "Thợ Làm Vườn"
Trương Trọng Nghĩa sinh năm 1983, tại Chợ Gạo, Tiền Giang. Tuổi thơ anh gắn liền với sông nước, có lẽ dòng Tiền Giang hiền hậu đã tắm mát tâm hồn anh, mang anh đến với mảnh đất thi ca đầy cám dỗ. Tốt nghiệp Trường Trung học Phát thanh - Truyền hình II TP.HCM, anh về làm phóng viên cho Tạp chí Văn Nghệ Tiền Giang và giữ chức Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tác trẻ - Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Tiền Giang. Là một cây bút trẻ nhiều triển vọng, hiện anh vẫn giữ kỷ lục là thành viên trẻ nhất của Hội VHNT Tiền Giang - gia nhập khi anh mới tròn 19 tuổi.
Trương Trọng Nghĩa (đứng thứ ba từ trái qua), nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
cùng các tác giả đạt giải ở khu vực phía Bắc
Bước chân vào cuộc chơi văn chương, Trương Trọng Nghĩa luôn cần mẫn góp nhặt những ý tưởng, cảm xúc và phần thưởng cho anh là giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi Thơ trẻ 2000, giải khuyến khích cuộc thi Thế kỷ mới - sáng tác mới do Báo Mực tím tổ chức năm 2001, giải thưởng của Hội VHNT Tiền Giang năm 2006 và giải thưởng của Tạp chí Tài hoa trẻ cũng năm 2006...
Không dừng lại ở niềm đam mê cá nhân, Trương Trọng Nghĩa muốn khơi dậy tình yêu đối với văn chương trong giới trẻ, bởi "nhiều bạn trẻ vẫn có nhu cầu đọc thơ và giãi bày cảm xúc qua thơ" - Trương Trọng Nghĩa tâm sự. Ý định tạo lập forum Thơ trẻ được hình thành từ đấy.
Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn nên mãi tới khi đi học trên thành phố Hồ Chí Minh, Nghĩa mới bắt đầu làm quen với internet. Tự mày mò để học, vậy mà sau 2 năm Nghĩa đã tự tin "sinh hạ đứa con đầu lòng" mang tên forum Thơ Trẻ. Không phụ nhiệt huyết của 'người cha 8X' có biệt danh "Thợ Làm Vườn", sau hơn một năm được "nuôi dưỡng" forum Thơ Trẻ đã trưởng thành với diện mạo mới: website Thotre.com.
Ngay từ khi mới xuất hiện, Thotre.com đã nhận được sự quan tâm, tán thưởng của giới trẻ. Phần đông các thành viên trong diễn đàn, các cây bút cộng tác đều thuộc thế hệ 8X. Cùng với các chuyên mục đa dạng, phong phú: Không gian thơ, Trong vườn văn Thotre.com đã thực sự trở thành một sân chơi văn học bổ ích.
Nhận xét về "đứa con ảo" của Nghĩa, nhà phê bình Văn Giá, Trưởng khoa Sáng tác và Lý luận - Phê bình văn học, Trường Đại học Văn hóa, Hà Nội hồ hởi: "Các bạn trẻ yêu văn chương lại có thêm một địa chỉ đáng tin cậy và dễ thương mang tên Thơ trẻ bên cạnh các website văn học khác như: vietvan.vn, phongdiep.net".
Giải thưởng niềm tin
Nhân kỷ niệm 5 năm diễn đàn văn học trẻ, Trương Trọng Nghĩa đã nảy ra ý tưởng tổ chức một cuộc thi thơ trên website Thotre.com với mục đích: Nhằm tạo không khí sôi nổi cho hoạt động của website Thotre, đồng thời phát hiện ra những cây bút trẻ có triển vọng trong lĩnh vực văn học.
Không ai nghĩ anh chàng "hiền như đất", người sở hữu giọng nói thủ thỉ, đậm chất Tây Nam bộ này lại táo bạo và liều lĩnh đến thế. Phát động cuộc thi trong khi túi "ông bầu" chưa hề có một đồng kinh phí. Vừa lo thu hút độc giả tham gia cuộc thi, Nghĩa vừa chạy marathon để xin tài trợ. Đáp lại sự nhiệt tình của Nghĩa, cuộc thi đã nhận được hưởng ứng mạnh mẽ từ đông đảo các bạn trẻ. Sau hơn 3 tháng phát động (từ 25/7/2007 đến 31/10/2007) cuộc thi đã kết thúc với gần 2000 bài dự thi của 569 tác giả. Trong đó có cả tác giả là người nước ngoài và một em học sinh lớp 6. Ban giám khảo của cuộc thi gồm hai nhà thơ có uy tín: Nguyễn Trọng Tạo, Lê Minh Quốc.
Gặp Nghĩa trong buổi trao giải cuộc thi thơ online lần thứ nhất (trên website Thotre.com) cho các tác giả ở khu vực phía Bắc ngày 01/3 vừa qua, tại Văn phòng khoa Sáng tác và Lý luận - Phê bình văn học, Trường Đại học Văn hóa, không ít người phải trầm trồ, thán phục 'Lâu nay, các cuộc thi thơ thường được thực hiện dưới sự bảo trợ của các cơ quan, tổ chức. Việc một cá nhân dám đứng lên đảm nhận tổ chức một cuộc thi thơ trên nét như Trương Trọng Nghĩa thật đáng biểu dương và học tập', nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Ban giám khảo cuộc thi đánh giá.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo còn vui vẻ kể lại những ấn tượng khi được tin tưởng giao nhiệm vụ cầm cân nảy mực trong cuộc thi "không gian thơ trên nét": "Cuộc thi được tổ chức và chấm giải một cách nghiêm túc, công tâm và bí mật. Tất cả các bài thơ đều được gắn mã số, không thể phát hiện ra bài nào là của ai. Thật bất ngờ hai bài thơ có điểm số cao nhất rơi trúng vào một tác giả với bút danh Lệ Bình Quan, một tác giả làm thơ nhưng chưa bao giờ gửi thơ đăng báo! Trường hợp "Thiên thần vỡ" của tác giả Hà Thị Hằng (giải khuyến khích) tôi đọc tên thấy quen quen như của Phạm Dạ Thủy, sau khi lục tung các blog để đối chiếu hóa ra chỉ có cái tên giống nhau còn bài viết hoàn toàn khác. Lúc đấy mới thở phào nhẹ nhõm: không phải là thơ ăn cắp!"
Cuộc thi đã nhen nhóm trong lòng độc giả rằng: thơ vẫn âm ỉ sống trong tâm hồn giới trẻ. Trương Trọng Nghĩa đã góp công "khai quật" những gương mặt mới trước ngưỡng cửa văn chương. Anh xứng đáng được nhận giải thưởng danh giá của niềm tin: người thắp lên ngọn lửa văn chương trong lòng giới trẻ.
Hằng Hà
Bài đăng website tỉnh Tiền Giang
"Thơ trẻ" thời @
Trương Trọng Nghĩa, chàng trai sinh năm 1983, với gương mặt hiền lành, chất giọng đặc sệt dân miền Tây Nam bộ, đã làm bạn bè khá bất ngờ khi một mình "gầy dựng" nên website http://thotre.com.
Tốt nghiệp trường TH Phát thanh - Truyền hình II TP.HCM, đang công tác tại Tạp chí Văn Nghệ Tiền Giang trực thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang (VHNT TG), gia nhập Hội VHNT TG từ năm 2002 (hiện vẫn đang giữ kỷ lục hội viên trẻ tuổi nhất), từng đoạt giải II (không có giải I) cuộc thi Thơ Trẻ 2000, giải Khuyến khích cuộc thi Thế kỷ mới - Sáng tác mới do báo Mực Tím tổ chức năm 2001, Nghĩa tự nhận mình vẫn còn "cò con" trước biển lớn văn chương.
Trọng Nghĩa (thứ ba từ phải sang) và các thành viên của Thơ Trẻ
trong một chuyến dã ngoại ở Tiền Giang
"Em sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn nên học xong lớp 12, vẫn chưa biết thế nào là bàn phím và con chuột! Khi lên Sài Gòn đi học, do nhu cầu gõ văn bản để gửi bài cộng tác với các báo nên em tự mua sách tin học về đọc rồi ra ngoài mướn máy thực hành và không lâu sau thì làm quen với Internet", Nghĩa kể về thời mới làm quen với Internet chỉ mới cách đây gần 3 năm. Vậy mà, đầu năm 2003, Nghĩa chính thức cho ra mắt forum Thơ Trẻ (trên trang web www.friendscircle.net ). Forum "hút" được 1.000 thành viên.
Sau hơn một năm hoạt động, forum Thơ Trẻ đã đủ khả năng để mua tên miền và thuê host riêng để cho ra đời website Thơ Trẻ vào ngày 14-6-2004. Thơ Trẻ hơi "tham" một chút nên có khá nhiều đề mục, như: Văn phòng Thơ Trẻ (sẽ cung cấp thông tin, giải đáp về hoạt động của website); Vườn Tao Đàn (với nhiều "đất" dành cho các sáng tác, các câu chuyện nghệ thuật sống và những tác phẩm văn học, phê bình văn học chọn lọc...); Cafe Thơ Trẻ... Những cây bút góp mặt trên Thơ Trẻ chủ yếu là thành viên từ các CLB Sáng tác trẻ TG, CLB Văn học trẻ Nhà văn hóa Thanh niên và những bạn trẻ yêu thơ khác, như Khương Hà, Liêu Phúc Minh, Võ Tuấn Anh, Trương Huỳnh Như Trân...
Bích Dậu
Bài đăng trên Tuổi Trẻ
“Chủ nhà” của thotre.com: Làm web, tôi được cái tình văn chương!
Nhiều website văn chương đang góp phần làm cho đời sống văn học thêm sôi động. Thotre.com là một trong những website văn chương chăm chỉ giới thiệu sáng tác mới của các cây bút trẻ cũng như theo dõi một phần những diễn biến trong đời sống văn chương. Nhà thơ trẻ Trương Trọng Nghĩa ở Tiền Giang là người dành nhiều tâm sức xây dựng và duy trì website này. Anh đã có cuộc trò chuyện cởi mở với PV báo SK&ĐS.