“Mình mê “vọc web” lắm và cũng rất mê thơ nữa. Thơ Trẻ chính là sự kết hợp của hai niềm đam mê ấy” - đó là tâm sự của “nhà thơ” thế hệ 8X Trương Trọng Nghĩa, người sáng lập website Thơ Trẻ (www.thotre.com) đang rất được những người viết trẻ cũng như bạn đọc yêu văn học quan tâm.

“… là nông dân chính hiệu”

Nghĩa sinh năm 1983, quê ở Chợ Gạo, Tiền Giang, từng tham gia CLB Văn học của Nhà Văn hóa thanh niên TP.HCM, hiện đang công tác tại Tạp chí Văn Nghệ Tiền Giang (trực thuộc Hội VHNT Tiền Giang).

Website Thơ Trẻ ra đời vào tháng 9-2005, nhưng ngay từ đầu năm 2003, Nghĩa đã lập ra diễn đàn Thơ Trẻ trên mạng. Khi “liều mình” bắt tay vào thực hiện website Thơ Trẻ, Nghĩa chưa hề biết gì về cách thức làm web. Nếu vào xem website của Nghĩa, bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng đến lúc này Nghĩa chưa có bằng A tin học. Nghĩa tâm sự: “Trước giờ mình có học chuyên về tin học ở trường lớp nào đâu? Quê mình ở vùng sâu, mình là nông dân chính hiệu đấy. Học xong phổ thông trung học mà mình vẫn chưa biết con chuột máy vi tính...”.

Thơ Trẻ mang slogan: “Không gian thơ trên NET”, với mục đích tạo ra một nơi giao lưu, gặp gỡ, một không gian thi ca để ai cũng có thể dừng chân ghé lại mỗi khi lang thang trên Net. Toàn bộ công việc coi sóc từ nội dung đến kỹ thuật của trang Web đều do Nghĩa tự làm với sự ủng hộ, giúp đỡ của những người bạn trên mạng, trong đó nhiều người Nghĩa chưa từng biết mặt. Một đôi lần Thơ Trẻ cũng đã bị hacker tấn công, rồi có khi phải tạm thời đóng cửa do số người truy cập quá đông nên host bị hết băng thông mà ông chủ “quán thơ” không có tiền đăng ký thêm… Với Nghĩa, những chuyện vui buồn với trang web này đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Không gian thơ trên Net

Website Thơ Trẻ hiện được cập nhật khá thường xuyên, bám sát những tin tức thời sự văn học. Nghĩa cho biết, số lượng bài viết do độc giả gửi về khá nhiều, có bạn gửi về cho Thơ Trẻ cả tập thơ, chủ yếu là các sáng tác (văn, thơ, lý luận - phê bình,…). Bạn có thể tìm thấy ở đây tác phẩm của nhiều tác giả trẻ với lối viết mang đậm phong cách đương đại đã có tên tuổi trong làng văn học như Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Ngọc Tư, Vũ Đình Giang, Phan Hoàng, Đoàn Phương Huyền, Võ Mạnh Hảo, Ngô Thị Hạnh, Ngô Thị Thanh Vân,… và cả những cái tên mới bước vào con đường viết lách còn ít người biết đến. Mới đây, nhân kỷ niệm 2 năm hoạt động, website Thơ Trẻ đã tổ chức một cuộc thi thơ online dành cho mọi độc giả yêu thơ, thu hút gần 2.000 bài dự thi của các độc giả cả trong và ngoài nước tham gia, gây được tiếng vang với độc giả yêu thơ.

Các tin tức thời sự văn học hiện nay Thơ Trẻ chủ yếu lấy từ các tờ báo điện tử. Tỉ lệ giữa 2 nguồn này trên Thơ Trẻ hiện nay vào khoảng 40% của Thơ Trẻ và 60% từ nguồn khác. Trên diễn đàn, thì ngược lại: 60% là bài viết của thành viên và 40% sưu tầm từ nguồn khác. Nghĩa cho biết, trong thời gian tới, Thơ Trẻ sẽ cố gắng tăng tỉ lệ bài viết riêng của web lên khoảng 60%.

Thơ Trẻ cũng từng “nổi tiếng” có một chương trình radio online rất hấp dẫn do chính Nghĩa tự biên tự diễn, “để bạn đọc có thể nghe thơ khi lướt Net”. Chuyên mục radio online của Nghĩa cũng khá dày dặn với thời lượng 30 phút gồm các chuyên mục như: Không gian thơ, Nghệ thuật sống, Cảm nhận âm nhạc, Lời hay ý đẹp, Quà tặng âm nhạc, Thơ phổ nhạc, Tin Văn nghệ,… Rồi do bận rộn, lại không có tiền mở rộng dung lượng host và băng thông, chương trình radio online của Thơ Trẻ đã phải tạm dừng lại trong niềm tiếc nuối của nhiều thính giả. Nghĩa cho biết, tới đây sẽ cố gắng khôi phục lại chương trình này, vì nhiều bạn đọc thúc giục quá.

Tiếp thị văn chương

Khi được hỏi về xu hướng phổ biến tác phẩm qua mạng của các tác giả trẻ, Nghĩa cho biết: “Đúng là có một bộ phận những cây bút 8X đang có xu hướng thích phổ biến tác phẩm của mình trên mạng hơn là các phương tiện khác. Điều này cũng dễ hiểu vì giới trẻ hiện nay tiếp xúc với Internet rất nhanh và hầu như lên mạng mỗi ngày. Việc đưa bài viết lên Internet cũng tương đối dễ. Điều đó dẫn đến một thực tế là nhiều cây bút khá nổi đình đám trên một số website, một số diễn đàn trong khi những người không lướt Net vẫn chưa biết là ai, và cả hiện tượng “xuất bản ngược”, in sách sau khi tác phẩm đã công bố và tạo được dư luận trên Internet.

Nói về quan điểm của mình đối với khái niệm “tiếp thị văn chương” qua mạng, Nghĩa cho rằng: “Tiếp thị văn chương” là một việc làm hết sức cần thiết trong thời buổi hiện nay. Gần đây trên mạng có cả lời rao bán 1000 bài thơ qua mạng của một cây bút trẻ ở Hà Nội. Tôi cho rằng rồi sắp tới đây, ai cũng có thể sở hữu một website riêng hay ít ra là một blog cá nhân để tự “tiếp thị”. Chính vì vậy, hiện nay Thơ Trẻ cho phép thành viên tạo blog riêng để giới thiệu những tác phẩm của mình một cách dễ dàng. Tuy nhiên, tôi nghĩ chuyện in sách vẫn rất cần thiết, vì độc giả của web chỉ là số ít trong số những người sử dụng Internet”.

  Thanh Huyền
  Nguồn: e-Chíp số 131, ngày 14/03/2008
Báo chí & Tôi | Nhận xét(0) | Trích dẫn(0) | Đọc(5085)
Viết nhận xét
Hình vui
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemot
Mở HTML
Mở UBB
Mở hình vui
Ẩn giấu
Hãy nhớ
Tên gọi   Mật khẩu   Khách không cần mật khẩu
Địa chỉ web   Email   [Đăng ký]