Dù chưa thật hùng hậu, nhưng lực lượng văn trẻ xuất hiện trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI ở đồng bằng sông Cửu Long là đáng ghi nhận. Ngoài những vùng đất có truyền thống văn học như An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ… vẫn xuất hiện đều đặn những gương mặt mới, thì những “vùng trũng” mà tiêu biểu là Sóc Trăng cũng đã nổi lên những cây bút đáng quý. Tuy nhiên, theo tâm sự của nhà thơ trẻ Trương Trọng Nghĩa, anh cảm thấy chưa thoả mãn với Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 vừa qua, bởi vì “Các tham luận nhận định và phân tích nhiều vấn đề của văn học trẻ ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay không được trình bày tại hội nghị. Điều đó thật đáng tiếc!”
   
  
   
  * Anh là một trong những thành viên đại diện miền sông nước Cửu Long tham dự hai Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 7 và 8. Bây giờ nhìn lại, những ấn tượng nào từ hội nghị mới đây để lại trong anh?
   
  - Tham dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8, đoàn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 11 thành viên gồm: Lê Minh Tú, Võ Mạnh Hảo, Nguyễn Thị Kim Tuyến, Lê Quế Minh, Trần Dũng Nhân, Nguyễn Đức Phú Thọ, Quân Tấn, Trần Minh Thuận, Diệp Bần Cò, Lê Minh Nhựt và tôi.
   
  Hội nghị lần này thật sự đã đem lại không khí ngày hội của những người viết trẻ trong cả nước, là nơi để những người viết văn trẻ có dịp gặp gỡ, học hỏi, trao đổi, giao lưu… lẫn nhau trong một không khí thật thoải mái và cởi mở; thể hiện được nhiệt huyết, tinh thần của những người viết trẻ. Đây cũng là cơ hội để những cây bút trẻ như tôi nói lên tiếng nói đồng thời ý thức rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của mình.
   
  Tôi ấn tượng nhất với các buổi hội thảo chuyên đề như: “Văn trẻ - Nhận diện và phát triển”, “Thơ trẻ dòng chảy và công chúng” với nhiều vấn đề thiết thân, nóng hổi hiện nay đã được các đại biểu phân tích, mổ xẻ và tranh luận. Ngoài ra những ngày được ở trên vùng đất Tổ Phú Thọ linh thiêng, quê hương Tân Trào lịch sử, “Thủ đô gió ngàn” là kỷ niệm khó quên đối với tôi.
   
  * Vâng, đúng là những kỷ niệm hiếm có và khó quên. Vậy có điều gì mà anh và các bạn văn trẻ ở đồng bằng sông Cửu Long muốn nói nhưng vẫn chưa thể hiện được tại diễn đàn hội nghị?
   
  - Chờ đợi 5 năm rồi phải vượt một hành trình dài để đến với hội nghị, tôi và các bạn trong đoàn cảm thấy rất háo hức và mỗi người đều có ấp ủ nhiều vấn đề liên quan đến văn học trẻ muốn được chia sẻ. Riêng tôi rất muốn được trao đổi về bản sắc vùng miền, về tác động của internet đối với đời sống văn học hiện nay. Tuy nhiên thời gian hội nghị quá ngắn (chỉ trong 3 ngày), cơ hội để được góp tiếng nói trên diễn đàn không nhiều nên tôi cảm thấy chưa thoả mãn lắm. Các tham luận nhận định và phân tích nhiều vấn đề của văn học trẻ ở ĐBSCL hiện nay không được trình bày tại hội nghị. Điều đó thật đáng tiếc!
   
  
    
  
    Trương Trọng Nghĩa (đứng ngoài cùng bên phải) tại
  
    Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần 7 ở Hội An - Quảng Nam 2006
   
  * Cũng thật khó nói hết những điều mình muốn nói trong khuôn khổ một hội nghị như thế, khi có nhiều tiếng nói đều muốn cất lên. Qua đọc và tiếp xúc, anh có sự so sánh nào giữa chất và lượng văn trẻ đồng bằng sông Cửu Long với các vùng miền khác?
   
  - So với các địa phương khác trong cả nước, lực lượng viết văn trẻ ở ĐBSCL hiện nay khá khiêm tốn về mặt số lượng. Vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của một số cây bút trẻ ở lẻ tẻ vài địa phương với những tác phẩm mang đậm dấu ấn sáng tạo đã đem đến cho văn học ĐBSCL nhiều sự mới mẻ, trẻ trung. Tuy nhiên những cây bút trẻ có tác phẩm vượt qua khỏi ranh giới hành chính nơi mình sinh sống và tạo được tiếng vang trên văn đàn cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
   
  Về nội dung, theo tôi văn học trẻ ĐBSCL đã bắt đầu bắt nhịp được hơi thở của cuộc sống đương đại, đa dạng và phong phú với rất nhiều dòng chảy khác nhau. Mặc dù biên độ các đề tài được các tác giả trẻ khai thác trong tác phẩm của mình được mở rộng tối đa nhưng hầu hết vẫn giữ được bản sắc vùng miền. Chính vì thế tác phẩm của những cây bút ở ĐBSCL hầu như khó bị lẫn vào tác phẩm của các cây bút sinh sống ở địa phương khác.
   
  * Vẫn giữ được bản sắc miền sông nước, đó là điều đáng mừng cho các nhà văn trẻ. Theo anh, tác phẩm những bạn văn trẻ nào ở đồng bằng sông Cửu Long đang dần tạo dấu ấn riêng?
   
  - Ngoài hiện tượng Nguyễn Ngọc Tư, tác phẩm của những bạn văn trẻ đã tạo được dấu ấn đối với tôi về văn có Võ Diệu Thanh, Lê Minh Nhựt; về thơ có Huỳnh Thuý Kiều, Võ Mạnh Hảo và Nguyễn Đức Phú Thọ.
   
  * Thật đáng tiếc tại hội nghị văn trẻ toàn quốc vừa qua, vì những lý do khác nhau mà không có sự góp mặt của Huỳnh Thuý Kiều, Võ Diệu Thanh, Trần Huy Minh Phương… Đối với anh, văn chương có ý nghĩa và tác động ra sao trong công việc lẫn đời sống riêng tư?
   
  - Tôi may mắn đã được văn chương chọn. Con đường của người viết văn, làm thơ dường như nhiều chông gai và phải lao tâm khổ trí, vất vả cực nhọc nhiều hơn những người khác. Tuy nhiên đến với văn chương, tôi có thể giãy bày cảm xúc và suy nghĩ của bản thân mình, thế hệ mình. Và tôi tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc khi tác phẩm của mình được bạn đọc đón nhận.
   
  
   
  
  Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần 8 ở Việt Bắc tháng 9.2011
   
  * Trang thotre.com do anh sáng lập là diễn đàn thu hút nhiều bạn văn trẻ. Điều thú vị nhất để anh duy trì trang web?
   
  - Đầu năm 2004, thotre.com ra đời và là một trong những trang mạng tiếng Việt đầu tiên về văn học trẻ. Tôi xây dựng website này từ chính đam mê văn chương và sở thích “vọc web”. Tôi rất bất ngờ và rất vui khi Thotre.com nhanh chóng trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ của nhiều bạn trẻ yêu văn học. Nhờ trang web, tôi đã biết thêm rất nhiều bạn bè văn chương đồng điệu, được đọc và chiêm nghiệm tác phẩm của họ, được nhìn lại mình và tiếp thêm “lửa đam mê” văn chương cho bản thân.  Đó chính là động lực để tôi duy trì trang web suốt hơn 7 năm qua.
   
  * Hình như đã có lúc vì khó khăn mà anh dự định từ bỏ trang web?
   
  - Quá trình duy trì trang web cũng gặp không ít khó khăn, trong đó vấn đề cốt yếu là kinh phí duy trì trang web và thời gian dành cho việc cập nhật bài vở. Đầu năm 2010, tôi dự định cho thotre.com ngưng hoạt động nhưng được nhiều bạn bè văn chương động viên và giúp đỡ, trong đó phải đặc biệt nhắc đến sự nhiệt tình cũng như tâm huyết của nhà thơ Huỳnh Thuý Kiều nên trang vẫn tiếp tục hoạt động cho đến hôm nay.
   
  * Có bạn văn trẻ nào gắn bó với thotre.com đã dần có tiếng nói nhất định trên văn đàn…
   
  - Sáng tác là công việc tự thân và tài năng của mỗi người chính là yếu tố cơ bản quyết định sự thành công của họ. Tuy nhiên là người sáng lập và quản lý website thotre.com, tôi thấy vui khi là nhịp cầu nối đưa tác phẩm của nhiều bạn trẻ đến được với bạn đọc. Và đặc biệt, cuộc thi thơ online lần thứ nhất được tổ chức trên thotre.com năm 2006 đã phát hiện ra nhiều câu bút trẻ đầy triển vọng. Giải nhất đã được trao cho cây bút trẻ Lệ Bình Quan, bút danh của Mai Anh Tuấn, khi đó đang là sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Tại Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 vừa rổi, tôi rất vui khi được gặp lại Tuấn, bây giờ đã là giảng viên của Khoa Lý luận - Sáng tác văn học - Phê bình thuộc Đại học Văn hoá Hà Nội. Tuấn cũng là tác giả vừa đoạt giải 3 cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ IV. Nhiều cây bút trẻ như Huỳnh Thuý Kiều, Hồ Huy Sơn, Lê Văn Lâm, Hoa Nip... cũng bắt đầu khẳng định được mình từ sau khi đoạt giải trong cuộc thi này. Hay như Nguyễn Thị Mạnh Hà- tác giả củaGiấc mơ bên gốc vú sữa, Khương Hà, Ngô Thị Thanh Vân, Phương Lan... cũng là những thành viên kỳ cựu của diễn đàn từ ngày mới thành lập.
   
  * Từ kinh nghiệm của mình, anh nhận thấy văn học trên mạng đóng vai trò ra sao trong đời sống văn học hiện nay?
   
  - Theo quan sát của bản thân tôi, khi bạn đọc bắt đầu thờ ơ với văn chương in ấn theo cách truyền thống thì văn chương mạng lại bắt đầu được chú ý. Nhiều tác phẩm văn học mạng đã tạo được tiếng vang và cũng đã có nhiều cây bút đầy triển vọng bước ra từ thế giới ảo. Cho đến nay, việc một tác phẩm vừa viết xong lập tức được gửi lên mạng cho độc giả ở khắp nơi trên thế giới vào xem và bình luận đã trở nên bình thường. Nhiều bạn trẻ cũng đã quen với chuyện lên mạng hằng ngày để thưởng thức văn chương và chia sẻ những cảm nhận của mình với tác giả. Văn chương mạng đang dần khẳng định vị trí quan trọng của mình trong đời sống văn học hiện nay.
   
  * Sau tập thơ đầu tay Những mảnh ghép không logic xuất bản năm 2006, không thấy tập thơ mới nào của anh. Hãy thổ lộ một chút về dự định sáng tác của anh trong thời gian tới.
   
  - Tôi đang ấp ủ ý tưởng cho tập thơ thứ 2. Hy vọng sau 5 năm, những mảnh ghép ấy sẽ... logic hơn chăng?
   
  * Được biết, anh đang công tác tại tạp chí Văn Nghệ Tiền Giang và tham gia tích cực mọi hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tiền Giang. Vậy Hội đã có sự hỗ trợ cụ thể ra sao đối với các nhà văn, nhất là giới cầm bút trẻ?
   
  - Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Hội, hoạt động văn học ở Tiền Giang đã có nhiều khởi sắc. Hội đã tổ chức thành công khá nhiều trại sáng tác và mời các nhà văn, nhà thơ như: Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Bằng Việt, Đỗ Lai Thúy, Lê Văn Thảo, Trần Thanh Giao, Lê Minh Quốc... đến trao đổi, góp ý tác phẩm của trại viên. Song song đó, Hội còn thường xuyên tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh. Đây là một trong những hoạt động hấp dẫn, góp phần nâng cao chất lượng các tác phẩm văn học nghệ thuật, kích thích sáng tạo và thu hút được rất đông hội viên tham gia.
   
  Đặc biệt đối những người viết trẻ, Hội dành khá nhiều sự ưu ái. Từ năm 1998, Tiền Giang đã thành lập Câu lạc bộ Sáng tác trẻ với mục đích tập hợp, phát hiện và bồi dưỡng lực lượng trẻ, đồng thời tạo ra một sân chơi lành mạnh giúp cho các cây bút trẻ phát huy năng khiếu, sáng tạo các tác phẩm văn học có giá trị.
   
  Đến nay, CLB đã thực sự trưởng thành với đội ngũ ngày càng đông về số lượng và hoạt động sáng tác ngày càng khởi sắc, biểu hiện qua sự tồn tại và phát triển của tờ đặc san Văn nghệ trẻ do CLB thực hiện. Đến nay CLB đã cho ra mắt được 39 kỳ đặc san, phát hành rộng rãi đến các trường học trong tỉnh. Từ khi CLB Sáng tác trẻ được thành lập, hàng loạt cây bút trẻ đầy triển vọng bắt đầu định hình, bổ sung vào đội ngũ sáng tác văn học của tỉnh.
   
  * Cảm ơn nhà thơ Trương Trọng Nghĩa. Chúc anh và các bạn văn trẻ miệt vườn dồi dào sức sáng tạo!
   
  Hàn Phong thực hiện
  Bài đăng trên website Nhà văn TP.HCM
Báo chí & Tôi | Nhận xét(0) | Trích dẫn(0) | Đọc(4610)
Viết nhận xét
Hình vui
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemot
Mở HTML
Mở UBB
Mở hình vui
Ẩn giấu
Hãy nhớ
Tên gọi   Mật khẩu   Khách không cần mật khẩu
Địa chỉ web   Email   [Đăng ký]