Nhân dịp Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần 8 (Hội nghị NNVVT) vừa diễn ra tại Tuyên Quang, Yume đã có một cuộc trao đổi nho nhỏ với nhà thơ Trương Trọng Nghĩa, đại biểu của tỉnh Tiền Giang xung quanh chuyến đi này.

  Yume: Xin chào anh. Cảm nhận của anh ra sao về Hội nghị NNVVT toàn quốc lần này? Hội nghị đã để lại trong anh những ấn tượng gì sâu sắc và đáng nhớ nhất? Gợi lên trong anh suy nghĩ và trăn trở gì hay không?

  Trương Trọng Nghĩa: Hội nghị lần này thật sự đã đem lại không khí ngày hội của những người viết trẻ trong cả nước, là nơi để những người viết văn trẻ có dịp gặp gỡ, học hỏi, trao đổi, giao lưu… lẫn nhau trong một không khí thật thoải mái và cởi mở; thể hiện được nhiệt huyết, tinh thần của những người viết trẻ. Đây cũng là cơ hội để những cây bút trẻ như tôi nói lên tiếng nói đồng thời ý thức rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của mình.

  Tôi ấn tượng nhất với các buổi hội thảo chuyên đề như: “Văn trẻ - Nhận diện và phát triển”, “Thơ trẻ dòng chảy và công chúng” với nhiều vấn đề thiết thân, nóng hổi hiện nay đã được các đại biểu phân tích, mổ xẻ và tranh luận.

  

  Trương Trọng Nghĩa trong chuyến đi

  Yume: Hội nghị lần 8 hầu như “trẻ” đúng nghĩa (các tác giả tuổi còn rất trẻ, mới sáng tác…). Theo một số người nhận xét, lớp tác giả 8X hiện nay chưa có những tác phẩm thực sự xuất sắc, đỉnh cao so với lớp tác giả 7X đã thành danh như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần… Anh có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này, có cảm thấy buồn vì tác phẩm của mình bị cho là “nhạt”, chưa thực sự nổi bật hay không?

  Trương Trọng Nghĩa: Thực tế đời sống văn học cho thấy, không phải lúc nào trên văn đàn cũng xuất hiện những tài năng văn học cùng với những tác phẩm đỉnh cao. Phải qua một khoảng thời gian rất dài, rất trống vắng thì mới có một tên tuổi như Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện.

  Nếu thế hệ 8X chúng tôi chưa đủ tài năng để tạo ra tác phẩm đỉnh cao xin giao lại trọng trách ấy cho thế hệ 9X hoặc sau đó nữa, bởi con đường văn chương là một con đường dài với nhiều biến động, nhiều sự tiếp nối và không thiếu những yếu tố bất ngờ.

  Nhiều cây bút có tên trong danh sách tham dự hội nghị lần này đã tạo cho tôi ấn tượng và cảm xúc khi đọc tác phẩm của họ. Tôi tin sau hội nghị, tên tuổi của một hoặc nhiều cây bút trẻ ấy sẽ tiếp tục tỏa sáng. Có thể lắm chứ!

  Yume: Về phương diện cá nhân, anh đánh giá như thế nào về “mặt bằng” văn thơ trẻ trong nước hiện nay? So với văn chương của các nước trong khu vực (Nhật Bản, Trung Quốc…), văn thơ trẻ Việt Nam có ưu và nhược điểm gì? Các tác giả trẻ phải làm gì để góp phần cải thiện nhược điểm và thúc đẩy ưu điểm của thơ văn trẻ VN phát triển?

  Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi lực lượng những người viết văn trẻ hiện nay có thể nói là đông nhưng lại khá biến động về số lượng. Sự xuất hiện của nhiều cây bút trẻ trên văn đàn, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã mang đến cho văn học đương đại nhiều sự mới mẻ, trẻ trung và mang đậm dấu ấn sáng tạo. Tuy nhiên, số tác giả có tác phẩm được dư luận chú ý vẫn chưa nhiều.

  Về nội dung, văn học trẻ hiện nay khá đa dạng và phong phú với rất nhiều dòng chảy khác nhau. Biên độ các đề tài được các tác giả trẻ khai thác trong tác phẩm của mình được mở rộng tối đa. Tuy nhiên tôi có cảm giác các tác phẩm chạy theo thị thường, chạy theo các trào lưu thời thượng, khai thác mảng đề tài “nóng” như đồng tính, tính dục hơi nhiều. Hiếm có những tác phẩm tìm được cho mình một chỗ đứng riêng.

  Một hạn chế khác, đó là hiện nay hầu hết các cây bút trẻ chỉ xem văn chương là cái nghiệp chứ không phải cái nghề, thậm chí nhiều bạn chỉ xem văn chương là một cuộc dạo chơi hơn là lao động nghiêm túc.

  Yume: Đến với văn chương, anh đã “được” và “mất” những gì? Và anh cảm thấy hài lòng hay nuối tiếc với sự “được” và “mất” đó?

  Trương Trọng Nghĩa: Đến với văn chương tôi được nhiều thứ hơn là mất. Trong đó có việc được nói lên cảm xúc và suy nghĩ của bản thân mình, thế hệ mình. Đến với văn chương tôi cũng được quen biết với nhiều nhà văn nổi tiếng cũng như những bạn văn chương cùng trang lứa trong cả nước. Bạn bè văn chương chơi với nhau rất thân tình. Tôi cảm thấy ấm lòng vì điều đó.

  Yume: Anh có định hướng gì sau khi tham dự Hội nghị NNVVT lần này?

  Trương Trọng Nghĩa: Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc là dịp để những cây bút trẻ chúng tôi được gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ với nhau những vấn đề tâm huyết. Đây chính “chất men” giúp tôi hâm nóng lại tình yêu văn chương, và là một cú huých tiếp thêm động lực viết lách. Đồng thời đây cũng là dịp để nhìn lại mình, nhìn những bạn bè văn chương xung quanh để tự tìm cho mình một hướng đi tốt trong tương lai.

  Tôi thường sáng tác theo cảm xúc hơn là hướng mình vào một khuôn khổ nào đấy. Tuy nhiên những điều bổ ích thu thập được tại hội nghị lần này chắc chắn sẽ tạo ra nhiều biến chuyển trong tập thơ thứ 2 của tôi dự định sẽ in trong năm nay.

  Xin cảm ơn và chúc anh sẽ gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp viết lách của mình. Chúc sự nghiệp văn chương của thế hệ trẻ 8X sẽ được mùa sau kì Hội nghị.



  Trần Huyền Trang thực hiện
  Bài đăng trên Yume
Báo chí & Tôi | Nhận xét(0) | Trích dẫn(0) | Đọc(5450)
Viết nhận xét
Hình vui
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemot
Mở HTML
Mở UBB
Mở hình vui
Ẩn giấu
Hãy nhớ
Tên gọi   Mật khẩu   Khách không cần mật khẩu
Địa chỉ web   Email   [Đăng ký]