Chào mừng các bạn đến với blog của Trương Trọng Nghĩa!
Bạn có thể truy cập trang này với địa chỉ www.trongnghia.info hoặc www.truongtrongnghia.com
Đau đáu và trĩu nặng trong hành trang cuộc sống của Nghĩa là nỗi niềm ký ức của người con xa quê với những kỉ niệm rất đỗi thân thương, bình dị.

  Tuổi trẻ vốn đam mê và tràn đầy nhiệt huyết. Một người trẻ mê văn chương và đã dám dấn thân vì văn chương như Nghĩa là điều mà không ai cũng làm được. Tôi rất quý Nghĩa ở điểm này. Một tác giả trẻ thuộc thế hệ 8x với những mảnh ghép bề bộn của ký ức tâm hồn.
   
  Trương Trọng Nghĩa sinh năm 1983, tại Chợ Gạo- Tiền Giang. Hiện đang công tác tại Hội VHNT Tiền Giang. Trẻ trung và đam mê văn chương. Nhưng quan trọng hơn thế vì Nghĩa sớm khẳng định được năng lực của mình qua những giải thưởng Thơ của: Hội VHNT Tiền Giang năm 2000, Báo Mực Tím 2001,Tạp chí tài Hoa Trẻ năm 2006. Nghĩa là đại biểu duy nhất của tỉnh Tiền Giang tham dự Hội Nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần VII tổ chức ở Hội An (5/2006). Các bạn trẻ yêu thơ xin mời ghé lại địa chỉ Website:www.thotre.com của Trương Trọng Nghĩa.
   
  Những mảnh ghép không logic là tập thơ đầu tay của Nghĩa vừa mới được NXB Văn Nghệ TP.HCM và Hội VHNT Tiền Giang phối hợp phát hành. Tác phẩm là tập hợp những bài thơ được làm trong khoảng thời gian từ 1999-2006. Đó là những mảnh tâm trạng của ký ức và nỗi nhớ quê da diết. Nghĩa khai thác những góc khuất của tâm hồn bằng tất cả sự cảm nhận tinh tế và nhạy cảm. Đọc tác phẩm ta sẽ nhận ra lăng kính thơ của anh đa dạng và rộng. Tác phẩm đã khái quát hai mảng đề tài lớn là: Ký ức làng và Những gương mặt phố. 
   
  Đau đáu và trĩu nặng trong hành trang cuộc sống của Nghĩa là nỗi niềm ký ức của người con xa quê với những kỉ niệm rất đỗi thân thương, bình dị: "Tôi trở về bắt những con cà cuống ngoài đồng/ Ngày xưa bữa cơm chiều/ Mẹ nướng dầm nước mắm/ Mùi rơm rạ len vào miền sâu thẳm/ Ký ức tuổi thơ…”. Đi về phía tuổi thơ với biết bao ưu tư, trước sự phát triển tất yếu của cuộc sống để rồi tâm hồn đa cảm ấy mang nặng một nỗi niềm: "Tôi đi về phía làng/ Mang lên phố những nỗi buồn ruộng rẫy” (Phía sau làng). Và hình ảnh con sông quê hương thân thuộc với biết bao kỉ niệm tuổi thơ mà dòng trôi năm tháng cứ vô tình cuốn đi, đi mãi: 
   
  " Hoa bần xưa giờ vẫn còn trôi 
  Cần vó treo tuổi thơ tôi mắc cạn
  Khúc sông nhỏ mà tình yêu thì vô hạn
  Nên miên man ở phía bãi bồi.
  Tôi – chú cá lìm kìm mãi đùa bóng nước
  Biết ai giữ giùm con sóng nhỏ ngày xa?”
                                              ( Ký ức sông)
   
  Đề tài không mới nhưng thơ Nghĩa thì mới khi anh biết dụng chữ nghĩa với tất cả sự chắt lọc, nhạy và giàu sức gợi. Hãy xem Nghĩa dùng hình ảnh: "Con cá thòi lòi quẫy đuôi vào nỗi nhớ”. Hay khi anh viết về cha với công việc nhà nông quen thuộc: "Hạt lại gieo hối hả/ Giọt mồ hôi ba lấp lánh những mùa vàng…”. Hoặc hình ảnh bàn tay của người mẹ quê mộc mạc, tảo tần: "Đôi bàn tay mẹ/ Dẫu ngón trỏ bám phèn/ Ngón giữa lấm lem/ Ngón út dính đầy mủ chuối/ Mẹ vẫn luôn dạy các con giữ mình sạch trong…”
   
  Rời làng quê với những hình ảnh đẹp nên thơ, êm ả với dòng sông, bến nước và câu vọng cổ mùi mẩn trên dòng sông Tiền giữa đêm trăng như tạm khép lại khung trời kỉ niệm. Một phần khác trong chuỗi những mảnh ghép mà Nghĩa tự cho là không logic là hình ảnh những gương mặt phố. 
   
  Phố mở ra một không gian mới với những toà nhà cao tầng, đông đúc xe cộ, bề bộn lo toan, nhịp sống hối hả và tâm trạng ngột ngạt. Nơi mà: "Những buổi chiều thiếu không gian/ Hồn tôi mộng du trên nóc những tầng cao ốc … Từng mảng ký ức mốc meo phía ngày nắng tắt/ Đàn chim câu cũng đã bay đi/ Tôi- chiếc lá mang nhiều mặc cảm/ Rơi không ý tưởng giữa một chiều hư vô” (Những buổi chiều không ý tưởng). Ở phố người trẻ phải đối diện với những nỗi buôn, sự đơn độc sau những thời khắc ồn ào náo nhiệt. Những bài: độc ẩm trong đêm, độc thoại đêm,, nỗi nhớ, ký ức,cơn ác mộng  … là nỗi ám ảnh và dằn vặt, một tâm trạng đang cần sự sẻ chia, đồng điệu giữa mớ hỗn tạp tầm thường. Mong sao đó chỉ là một giấc mơ, một thế giới ảo xoa dịu tâm hồn chúng ta mỗi khi  tuyệt vọng và cô đơn trước đám đông. Và bạn có từng một lần, như Nghĩa, phải hét lên trong nỗi nhớ giữa thế giới phẳng @: 
   
  Save nỗi nhớ vào hết cả bốn ngăn tim
  Sao vẫn thấy lòng mình trống rỗng?
  Muốn hét to trên chatroom công cộng:
  " Trời ơi! Nhớ quá một người …” 
   
  LÊ MINH VŨ
  Bài đăng trên báo Bình Dương
Lên yahoo messenger, câu offline chào mỗi sáng của tôi không ít khi là những lời mời: "Đón xem chương trình radio online của diễn đàn chúng tôi tại đây"...

  Một lần vì tò mò thử click vào, tôi không khỏi ngạc nhiên: "Ồ, giọng đọc và câu chuyện của những người bạn online - có khi mình chưa từng gặp mặt, hoặc cách xa mình hàng ngàn cây số đấy ư!".

  

  Cách đây hơn hai tháng, bản radio online số đầu tiên của chàng trai sinh năm 1983 có gương mặt hiền như đất Trương Trọng Nghĩa (từng đoạt giải thơ Bút mới của báo Tuổi Trẻ) đã "oe oe" chào đời trên diễn đàn http://diendan.thotre.com. Anh bạn PV của tạp chí Văn nghệ Tiền Giang này đã tự thu âm ở nhà các chương trình radio với vốn liếng kỹ thuật của những năm học tại trường Trung học phát thanh truyền hình 2.

  Tự nhận giọng nói của mình phát âm chưa chuẩn, "nghe hơi không được hay", nhưng Nghĩa đã có thêm người bạn MC là Thùy Trang, nên radio của Nghĩa vẫn thu hút khá đông lượt truy cập. Đến nay, Radio Thơ Trẻ Online của Nghĩa đã ra được bản số 5, với nhiều nội dung về thơ văn như: giao lưu; Nghệ thuật sống; Tin văn nghệ; Không gian thơ với các tác phẩm thơ của những cây bút trẻ; Thơ phổ nhạc... Càng ngày, nội dung radio của Nghĩa càng phong phú hơn, với nhiều nội dung hơn. Chăm chút cho nội dung kịch bản, đến phần thu tiếng và mix lại, tranh thủ những chuyến công tác như đi dự Hội nghị nhà văn trẻ hay đi thực tế sáng tác, Nghĩa lại có dịp "chộp" một ai đó để giao lưu trên diễn đàn của mình như cây bút Ngô Thị Thanh Vân ở Gia Lai trên chương trình số 5 vừa rồi.

  Song, do việc gầy dựng diễn đàn đến việc làm radio chỉ đơn giản xuất phát tất cả từ niềm yêu thích của một cây bút trẻ, nên Nghĩa cũng gặp không ít khó khăn. "Radio online luôn lọt vào top 10 bài được xem nhiều nhất trên diễn đàn nên radio chiếm rất nhiều băng thông của diễn đàn. Vì tất cả kinh phí làm diễn đàn và radio đều do mình tự túc, nên cũng có khi gặp khó khăn. Nhưng do nhiều bạn bè động viên nên mình sẽ cố gắng làm đến khi nào có thể", Nghĩa cười chia sẻ.

  Còn với nhóm bạn KHK (tên tắt từ nick của ba bạn trẻ Đăng Khoa, Đình Khánh và Ngọc Thanh) thì lại có những radio online nhiều nội dung về văn hóa, xã hội... được phát trên các diễn đàn (nhiều nhất là trên diễn đàn http://www.vietnam-life.com/portal/default.asp), trong đó có các forum của du học sinh. Quen biết nhau qua các forum, các thành viên của nhóm khởi sự cho radio online của mình đã hơn 4 tháng và đến giờ toàn bộ công việc cũng chỉ được thực hiện qua online vì... chưa ai gặp mặt ai. Các radio online của KHK còn "đặc biệt" ở chỗ: một thành viên trong nhóm là Đình Khánh, cũng là giọng đọc của hầu hết các radio lúc đó đang du học ngành Hán ngữ ở Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh!

  "Lúc đầu nhóm chỉ làm chương trình giới thiệu các ca khúc tiếng Hoa, sau đó bắt đầu "lấn sân" qua các chương trình mang tính xã hội khác, đề cập đến những vấn đề nóng của XH như là vấn đề nạo phá thai trong giới trẻ. Tuy những radio đầu tay, giọng đọc của mình hơi... tệ hại, đọc vấp, không đủ diễn cảm, nhưng được các bạn động viên nên đến giờ thì mọi thứ ổn hơn nhiều rồi", Khánh bộc bạch những khó khăn của một MC "tay ngang".

  Khi được hỏi về ước mơ của nhóm cho tương lai, Đăng Khoa, cựu SV ĐH Kinh tế và hiện tại đang theo học tại Học viện công nghệ thông tin NIIT không khỏi hồ hởi: "Chúng mình dự định lập một công ty chuyên hướng dẫn kỹ thuật, viết kịch bản, "thuê" MC cho các diễn đàn nào muốn làm radio và đặc biệt là "giành" được một chiếc vé cộng tác với Tuổi Trẻ Online để làm chương trình Radio Online do Tuổi Trẻ Online thực hiện, đang rất được người nghe trên mạng yêu thích"...

  Đang tạm thời "lui nghỉ" chuẩn bị cho một số chương trình mới, KHK hứa hẹn sẽ quay trở lại với "cuộc chơi" của những người trẻ online trên các diễn đàn qua những tác phẩm radio, tạo hơn nữa hiệu ứng cho cộng đồng ảo, thay vì đọc, họ có thể nghe...

  Bích Dậu
  Bài đăng báo Tuổi Trẻ

“Mình mê “vọc web” lắm và cũng rất mê thơ nữa. Thơ Trẻ chính là sự kết hợp của hai niềm đam mê ấy” - đó là tâm sự của “nhà thơ” thế hệ 8X Trương Trọng Nghĩa, người sáng lập website Thơ Trẻ (www.thotre.com) đang rất được những người viết trẻ cũng như bạn đọc yêu văn học quan tâm.

“… là nông dân chính hiệu”

Nghĩa sinh năm 1983, quê ở Chợ Gạo, Tiền Giang, từng tham gia CLB Văn học của Nhà Văn hóa thanh niên TP.HCM, hiện đang công tác tại Tạp chí Văn Nghệ Tiền Giang (trực thuộc Hội VHNT Tiền Giang).

Website Thơ Trẻ ra đời vào tháng 9-2005, nhưng ngay từ đầu năm 2003, Nghĩa đã lập ra diễn đàn Thơ Trẻ trên mạng. Khi “liều mình” bắt tay vào thực hiện website Thơ Trẻ, Nghĩa chưa hề biết gì về cách thức làm web. Nếu vào xem website của Nghĩa, bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng đến lúc này Nghĩa chưa có bằng A tin học. Nghĩa tâm sự: “Trước giờ mình có học chuyên về tin học ở trường lớp nào đâu? Quê mình ở vùng sâu, mình là nông dân chính hiệu đấy. Học xong phổ thông trung học mà mình vẫn chưa biết con chuột máy vi tính...”.

Thơ Trẻ mang slogan: “Không gian thơ trên NET”, với mục đích tạo ra một nơi giao lưu, gặp gỡ, một không gian thi ca để ai cũng có thể dừng chân ghé lại mỗi khi lang thang trên Net. Toàn bộ công việc coi sóc từ nội dung đến kỹ thuật của trang Web đều do Nghĩa tự làm với sự ủng hộ, giúp đỡ của những người bạn trên mạng, trong đó nhiều người Nghĩa chưa từng biết mặt. Một đôi lần Thơ Trẻ cũng đã bị hacker tấn công, rồi có khi phải tạm thời đóng cửa do số người truy cập quá đông nên host bị hết băng thông mà ông chủ “quán thơ” không có tiền đăng ký thêm… Với Nghĩa, những chuyện vui buồn với trang web này đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Không gian thơ trên Net

Website Thơ Trẻ hiện được cập nhật khá thường xuyên, bám sát những tin tức thời sự văn học. Nghĩa cho biết, số lượng bài viết do độc giả gửi về khá nhiều, có bạn gửi về cho Thơ Trẻ cả tập thơ, chủ yếu là các sáng tác (văn, thơ, lý luận - phê bình,…). Bạn có thể tìm thấy ở đây tác phẩm của nhiều tác giả trẻ với lối viết mang đậm phong cách đương đại đã có tên tuổi trong làng văn học như Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Ngọc Tư, Vũ Đình Giang, Phan Hoàng, Đoàn Phương Huyền, Võ Mạnh Hảo, Ngô Thị Hạnh, Ngô Thị Thanh Vân,… và cả những cái tên mới bước vào con đường viết lách còn ít người biết đến. Mới đây, nhân kỷ niệm 2 năm hoạt động, website Thơ Trẻ đã tổ chức một cuộc thi thơ online dành cho mọi độc giả yêu thơ, thu hút gần 2.000 bài dự thi của các độc giả cả trong và ngoài nước tham gia, gây được tiếng vang với độc giả yêu thơ.

Các tin tức thời sự văn học hiện nay Thơ Trẻ chủ yếu lấy từ các tờ báo điện tử. Tỉ lệ giữa 2 nguồn này trên Thơ Trẻ hiện nay vào khoảng 40% của Thơ Trẻ và 60% từ nguồn khác. Trên diễn đàn, thì ngược lại: 60% là bài viết của thành viên và 40% sưu tầm từ nguồn khác. Nghĩa cho biết, trong thời gian tới, Thơ Trẻ sẽ cố gắng tăng tỉ lệ bài viết riêng của web lên khoảng 60%.

Thơ Trẻ cũng từng “nổi tiếng” có một chương trình radio online rất hấp dẫn do chính Nghĩa tự biên tự diễn, “để bạn đọc có thể nghe thơ khi lướt Net”. Chuyên mục radio online của Nghĩa cũng khá dày dặn với thời lượng 30 phút gồm các chuyên mục như: Không gian thơ, Nghệ thuật sống, Cảm nhận âm nhạc, Lời hay ý đẹp, Quà tặng âm nhạc, Thơ phổ nhạc, Tin Văn nghệ,… Rồi do bận rộn, lại không có tiền mở rộng dung lượng host và băng thông, chương trình radio online của Thơ Trẻ đã phải tạm dừng lại trong niềm tiếc nuối của nhiều thính giả. Nghĩa cho biết, tới đây sẽ cố gắng khôi phục lại chương trình này, vì nhiều bạn đọc thúc giục quá.

Tiếp thị văn chương

Khi được hỏi về xu hướng phổ biến tác phẩm qua mạng của các tác giả trẻ, Nghĩa cho biết: “Đúng là có một bộ phận những cây bút 8X đang có xu hướng thích phổ biến tác phẩm của mình trên mạng hơn là các phương tiện khác. Điều này cũng dễ hiểu vì giới trẻ hiện nay tiếp xúc với Internet rất nhanh và hầu như lên mạng mỗi ngày. Việc đưa bài viết lên Internet cũng tương đối dễ. Điều đó dẫn đến một thực tế là nhiều cây bút khá nổi đình đám trên một số website, một số diễn đàn trong khi những người không lướt Net vẫn chưa biết là ai, và cả hiện tượng “xuất bản ngược”, in sách sau khi tác phẩm đã công bố và tạo được dư luận trên Internet.

Nói về quan điểm của mình đối với khái niệm “tiếp thị văn chương” qua mạng, Nghĩa cho rằng: “Tiếp thị văn chương” là một việc làm hết sức cần thiết trong thời buổi hiện nay. Gần đây trên mạng có cả lời rao bán 1000 bài thơ qua mạng của một cây bút trẻ ở Hà Nội. Tôi cho rằng rồi sắp tới đây, ai cũng có thể sở hữu một website riêng hay ít ra là một blog cá nhân để tự “tiếp thị”. Chính vì vậy, hiện nay Thơ Trẻ cho phép thành viên tạo blog riêng để giới thiệu những tác phẩm của mình một cách dễ dàng. Tuy nhiên, tôi nghĩ chuyện in sách vẫn rất cần thiết, vì độc giả của web chỉ là số ít trong số những người sử dụng Internet”.

  Thanh Huyền
  Nguồn: e-Chíp số 131, ngày 14/03/2008
Cuối năm 2005, cùng với http://www.vannghesongcuulong.org và http://www.vuhong.com, trang webhttp://www.thotre.com đã mở thêm một “mảnh đất” mới cho bạn đọc và giới văn chương Đồng bằng sông Cửu Long. Thotre.com đang có khoảng 200-300 lượt truy cập một ngày, với các chuyên mục phong phú và được viết nghiêm túc như “Tin văn”, “Chuyên đề”, “Không gian thơ”, “Trong vườn văn”, “Tác giả - tác phẩm”, “Diễn đàn”, “Lý luận phê bình”, “Dịch thuật”, “Nghệ thuật sống”, “Xem - nghe - đọc”, “Nghiên cứu tư liệu”, “Thơ trẻ phố rùm”. Phóng viên báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với webmaster Trương Trọng Nghĩa - đồng thời cũng là một nhà thơ trẻ - hiện đang công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang.

* PV: Thưa anh trang thotre.com được ra đời như thế nào? Mục đích của thotre.com là gì?

- Thotre.com được khai sinh ra ngày 16-2-2003. Thơ Trẻ vừa thổi nến mừng sinh nhật lần thứ 3 của mình. Ban đầu, Thơ Trẻ chỉ là một diễn đàn trong hệ thống www.friendscircle.net với tên gọi “Thơ Trẻ phố rùm”. Website hiện nay chỉ mới ra đời từ ngày 24-9-2005. Tôi làm trang web này từ thời sinh viên, còn bây giờ thì đã về công tác tại Hội VHNT Tiền Giang. Lúc đó, tuy là sinh viên báo chí, nhưng tôi đã yêu văn thơ và tập tành làm quen với internet, rồi web. Niềm đam mê thơ cộng với mê web đã thôi thúc tôi tạo lập nên thotre.com. 

Mong muốn của tôi khá đơn giản: Thơ Trẻ sẽ trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ của những bạn trẻ yêu văn học. Lớn lao hơn một chút, tôi còn ước mong nơi đây sẽ là điểm hẹn và giới thiệu những sáng tác đầu tay của những cây bút trẻ.

  
  Trang chủ Thotre.com

* PV: Tại sao anh lại khởi đầu bằng diễn đàn mang tên “Thơ trẻ phố rùm”? Anh quản lý diễn đàn này như thế nào? Những ý kiến quá khích hay “lạc đề” có thể “lọt” vào diễn đàn không?

“Thơ Trẻ phố rùm” là đọc trại ra của Thơ Trẻ forum, tức là diễn đàn Thơ Trẻ. Trong diễn đàn, tôi chỉ chịu trách nhiệm chung còn phần điều hành thì có những bạn khác trong ban quản trị. Hầu hết các diễn đàn trên mạng hiện nay đều để cho thành viên post bài trước rồi mới quản trị sau. Cũng có vài sự cố, nhưng hầu hết đã được Ban quản trị xóa đi lập tức. Tuy nhiên từ hồi còn là một forum đến nay trang web đã được ba tuổi, theo tôi thấy hầu hết các thành viên của diễn đàn rất hòa nhã và ít có ý phá phách.

“Thơ Trẻ phố rùm” chỉ là diễn đàn tạm thời. Hiện tôi đang xây dựng một diễn đàn với nhiều tính năng hơn tại địa chỉ:http://diendan.thotre.com. Tôi đang chạy thử nghiệm diễn đàn này khoảng nửa tháng nay, chưa công bố nên chưa có nhiều thành viên và bài viết. Đây sẽ là diễn đàn chính của Thơ Trẻ sau này. Sau khi đăng ký một account, thành viên có thể gửi bài viết của mình lên cũng như thảo luận, trao đổi về bài viết của những thành viên khác.

* P.V: Anh tập hợp bài vở như thế nào? Những ai là cộng tác viên thường xuyên của thotre.com?

- Bài vở trên Thơ Trẻ từ 3 nguồn chính: Bài của các bạn thành viên diễn đàn, của độc giả trong và ngoài nước khi ghé Thơ Trẻ gửi cho chúng tôi đăng lên. Bài của các bạn trong CLB Sáng tác Văn học trẻ Tiền Giang và các anh chị trong Hội VHNT Tiền Giang, nơi tôi đang công tác. Các tin tức liên quan đến văn thơ từ các báo và website trong nước như: Tuổi Trẻ, Evăn, Tiền Phong, Thể thao Văn hóa, Văn nghệ…

Số cộng tác viên thường xuyên của Thơ Trẻ hiện nay chưa nhiều, có thể kể ra một vài cây bút trẻ như: Khương Hà, Phạm Khánh Liêm, Minh Châu, Nguyễn Quốc Vũ, Hoàng Hùng Hà… Và một số cây bút “không trẻ” như: Lá Me, Hoàng Thu Dung, Võ Tấn Cường, Phan Thành Minh, Nguyễn Thánh Ngã, Mai Hữu Phước, Ngô Hữu Đoàn…

* PV: Việc duy trì một trang web theo sở thích như vậy có chiếm nhiều thời gian của anh không? Điều thu được lớn nhất khi anh lập trang web này là gì? Còn việc sáng tác văn chương của riêng anh thì sao?

- Thực tế, tạo ra một trang web không khó, nhưng duy trì được nó thì là cả một vấn đề. Để duy trì được thotre.com đến ngày hôm nay, tôi đã đầu tư nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc. Trước hết là phải tốn chi phí đăng ký tên miền, rồi thuê máy chủ để duy trì. Trang web phải được cập nhật hằng ngày, bởi vì tâm lý của “dân net” là phải thấy được cái gì đó mới mẻ mỗi khi lướt qua một trang web nào đó, thì họ mới ghé lần thứ hai, thứ ba… Một vấn đề khác là phải canh chừng giữ an toàn cho trang web, kiểm soát thông tin, chẳng hạn như tháng hai vừa qua, Thơ Trẻ bị một nhóm hacker ở tận Thổ Nhĩ Kỳ tấn công, thay đổi trang chủ, phải mất nhiều công sức phục hồi. Đôi lúc tôi nghĩ: việc gì mình phải khổ sở như thế này? Nhưng niềm đam mê đã giúp tôi giữ Thơ Trẻ vẫn còn tồn tại đến nay.

Từ khi Thơ Trẻ ra đời tôi đã có thêm nhiều bạn bè văn chương ở nhiều địa phương trong và ngoài nước. Các thành viên trong diễn đàn thỉnh thoảng vẫn tổ chức offline để gặp gỡ nhau và giao lưu với nhau rất vui vẻ. Nhờ thường xuyên theo dõi tin tức để cập nhật cho Thơ Trẻ nên tôi cảm thấy mình không bị “lạc hậu” trước tình hình văn học rất sôi động hiện nay. Tôi cũng nhận được rất nhiều sự động viên và chia sẻ từ những người yêu văn thơ và đặc biệt là cả những người không còn trẻ về tuổi đời nữa.

Hiện tôi vẫn đang viết, khi nào thích thì viết. Tôi từng cộng tác với trang Sáng tác của báo Cần Thơ bằng 3 - 4 bài thơ gì đấy và cũng thường có sáng tác trên các báo và trang web văn nghệ.

* PV: Xin cảm ơn anh.
  TƯỜNG VI (Thực hiện)
  Bài đăng trên báo Cần Thơ, Thứ tư, 22/3/2006

  Vượt đường trường từ TP.HCM ra thủ đô để trao giải cuộc thi thơ online trên Thotre.com cho các tác giả ở Hà Nội, chàng trai 8X Trương Trọng Nghĩa đã làm không ít bạn trẻ yêu thơ phải ngạc nhiên khi một mình anh tạo dựng website Thotre.com và kiêm luôn chức ông bầu cho cuộc thi thơ online lần thứ nhất.

  "Đứa con ảo" của "Thợ Làm Vườn"

  Trương Trọng Nghĩa sinh năm 1983, tại Chợ Gạo, Tiền Giang. Tuổi thơ anh gắn liền với sông nước, có lẽ dòng Tiền Giang hiền hậu đã tắm mát tâm hồn anh, mang anh đến với mảnh đất thi ca đầy cám dỗ. Tốt nghiệp Trường Trung học Phát thanh - Truyền hình II TP.HCM, anh về làm phóng viên cho Tạp chí Văn Nghệ Tiền Giang và giữ chức Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tác trẻ - Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Tiền Giang. Là một cây bút trẻ nhiều triển vọng, hiện anh vẫn giữ kỷ lục là thành viên trẻ nhất của Hội VHNT Tiền Giang - gia nhập khi anh mới tròn 19 tuổi.

  
  Trương Trọng Nghĩa (đứng thứ ba từ trái qua), nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
  cùng các tác giả đạt giải ở khu vực phía Bắc

  Bước chân vào cuộc chơi văn chương, Trương Trọng Nghĩa luôn cần mẫn góp nhặt những ý tưởng, cảm xúc và phần thưởng cho anh là giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi Thơ trẻ 2000, giải khuyến khích cuộc thi Thế kỷ mới - sáng tác mới do Báo Mực tím tổ chức năm 2001, giải thưởng của Hội VHNT Tiền Giang năm 2006 và giải thưởng của Tạp chí Tài hoa trẻ cũng năm 2006...

  Không dừng lại ở niềm đam mê cá nhân, Trương Trọng Nghĩa muốn khơi dậy tình yêu đối với văn chương trong giới trẻ, bởi "nhiều bạn trẻ vẫn có nhu cầu đọc thơ và giãi bày cảm xúc qua thơ" - Trương Trọng Nghĩa tâm sự. Ý định tạo lập forum Thơ trẻ được hình thành từ đấy.

  Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn nên mãi tới khi đi học trên thành phố Hồ Chí Minh, Nghĩa mới bắt đầu làm quen với internet. Tự mày mò để học, vậy mà sau 2 năm Nghĩa đã tự tin "sinh hạ đứa con đầu lòng" mang tên forum Thơ Trẻ. Không phụ nhiệt huyết của 'người cha 8X' có biệt danh "Thợ Làm Vườn", sau hơn một năm được "nuôi dưỡng" forum Thơ Trẻ đã trưởng thành với diện mạo mới: website Thotre.com.

  Ngay từ khi mới xuất hiện, Thotre.com đã nhận được sự quan tâm, tán thưởng của giới trẻ. Phần đông các thành viên trong diễn đàn, các cây bút cộng tác đều thuộc thế hệ 8X. Cùng với các chuyên mục đa dạng, phong phú: Không gian thơ, Trong vườn văn Thotre.com đã thực sự trở thành một sân chơi văn học bổ ích.

  Nhận xét về "đứa con ảo" của Nghĩa, nhà phê bình Văn Giá, Trưởng khoa Sáng tác và Lý luận - Phê bình văn học, Trường Đại học Văn hóa, Hà Nội hồ hởi: "Các bạn trẻ yêu văn chương lại có thêm một địa chỉ đáng tin cậy và dễ thương mang tên Thơ trẻ bên cạnh các website văn học khác như: vietvan.vn, phongdiep.net".

  Giải thưởng niềm tin

  Nhân kỷ niệm 5 năm diễn đàn văn học trẻ, Trương Trọng Nghĩa đã nảy ra ý tưởng tổ chức một cuộc thi thơ trên website Thotre.com với mục đích: Nhằm tạo không khí sôi nổi cho hoạt động của website Thotre, đồng thời phát hiện ra những cây bút trẻ có triển vọng trong lĩnh vực văn học.

  Không ai nghĩ anh chàng "hiền như đất", người sở hữu giọng nói thủ thỉ, đậm chất Tây Nam bộ này lại táo bạo và liều lĩnh đến thế. Phát động cuộc thi trong khi túi "ông bầu" chưa hề có một đồng kinh phí. Vừa lo thu hút độc giả tham gia cuộc thi, Nghĩa vừa chạy marathon để xin tài trợ. Đáp lại sự nhiệt tình của Nghĩa, cuộc thi đã nhận được hưởng ứng mạnh mẽ từ đông đảo các bạn trẻ. Sau hơn 3 tháng phát động (từ 25/7/2007 đến 31/10/2007) cuộc thi đã kết thúc với gần 2000 bài dự thi của 569 tác giả. Trong đó có cả tác giả là người nước ngoài và một em học sinh lớp 6. Ban giám khảo của cuộc thi gồm hai nhà thơ có uy tín: Nguyễn Trọng Tạo, Lê Minh Quốc.

  Gặp Nghĩa trong buổi trao giải cuộc thi thơ online lần thứ nhất (trên website Thotre.com) cho các tác giả ở khu vực phía Bắc ngày 01/3 vừa qua, tại Văn phòng khoa Sáng tác và Lý luận - Phê bình văn học, Trường Đại học Văn hóa, không ít người phải trầm trồ, thán phục 'Lâu nay, các cuộc thi thơ thường được thực hiện dưới sự bảo trợ của các cơ quan, tổ chức. Việc một cá nhân dám đứng lên đảm nhận tổ chức một cuộc thi thơ trên nét như Trương Trọng Nghĩa thật đáng biểu dương và học tập', nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Ban giám khảo cuộc thi đánh giá.

  Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo còn vui vẻ kể lại những ấn tượng khi được tin tưởng giao nhiệm vụ cầm cân nảy mực trong cuộc thi "không gian thơ trên nét": "Cuộc thi được tổ chức và chấm giải một cách nghiêm túc, công tâm và bí mật. Tất cả các bài thơ đều được gắn mã số, không thể phát hiện ra bài nào là của ai. Thật bất ngờ hai bài thơ có điểm số cao nhất rơi trúng vào một tác giả với bút danh Lệ Bình Quan, một tác giả làm thơ nhưng chưa bao giờ gửi thơ đăng báo! Trường hợp "Thiên thần vỡ" của tác giả Hà Thị Hằng (giải khuyến khích) tôi đọc tên thấy quen quen như của Phạm Dạ Thủy, sau khi lục tung các blog để đối chiếu hóa ra chỉ có cái tên giống nhau còn bài viết hoàn toàn khác. Lúc đấy mới thở phào nhẹ nhõm: không phải là thơ ăn cắp!"

  Cuộc thi đã nhen nhóm trong lòng độc giả rằng: thơ vẫn âm ỉ sống trong tâm hồn giới trẻ. Trương Trọng Nghĩa đã góp công "khai quật" những gương mặt mới trước ngưỡng cửa văn chương. Anh xứng đáng được nhận giải thưởng danh giá của niềm tin: người thắp lên ngọn lửa văn chương trong lòng giới trẻ.

  Hằng Hà
  Bài đăng website tỉnh Tiền Giang

"Thơ trẻ" thời @

[ TrongNghia.Info | Không rõ 21/11/2012 13:07 | by Trương Trọng Nghĩa ]
Chưa thật "hoành tráng", người thực hiện cũng không phải là một nhà thơ nổi tiếng nào đấy..., nhưng http://thotre.com đã là mảnh đất thân quen của giới trẻ yêu thơ và biết làm thơ.

  Trương Trọng Nghĩa, chàng trai sinh năm 1983, với gương mặt hiền lành, chất giọng đặc sệt dân miền Tây Nam bộ, đã làm bạn bè khá bất ngờ khi một mình "gầy dựng" nên website http://thotre.com.

  Tốt nghiệp trường TH Phát thanh - Truyền hình II TP.HCM, đang công tác tại Tạp chí Văn Nghệ Tiền Giang trực thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang (VHNT TG), gia nhập Hội VHNT TG từ năm 2002 (hiện vẫn đang giữ kỷ lục hội viên trẻ tuổi nhất), từng đoạt giải II (không có giải I) cuộc thi Thơ Trẻ 2000, giải Khuyến khích cuộc thi Thế kỷ mới - Sáng tác mới do báo Mực Tím tổ chức năm 2001, Nghĩa tự nhận mình vẫn còn "cò con" trước biển lớn văn chương.

  
  Trọng Nghĩa (thứ ba từ phải sang) và các thành viên của Thơ Trẻ
  trong một chuyến dã ngoại ở Tiền Giang

  
  "Em sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn nên học xong lớp 12, vẫn chưa biết thế nào là bàn phím và con chuột! Khi lên Sài Gòn đi học, do nhu cầu gõ văn bản để gửi bài cộng tác với các báo nên em tự mua sách tin học về đọc rồi ra ngoài mướn máy thực hành và không lâu sau thì làm quen với Internet", Nghĩa kể về thời mới làm quen với Internet chỉ mới cách đây gần 3 năm. Vậy mà, đầu năm 2003, Nghĩa chính thức cho ra mắt forum Thơ Trẻ (trên trang web www.friendscircle.net ). Forum "hút" được 1.000 thành viên.
  
  Sau hơn một năm hoạt động, forum Thơ Trẻ đã đủ khả năng để mua tên miền và thuê host riêng để cho ra đời website Thơ Trẻ vào ngày 14-6-2004. Thơ Trẻ hơi "tham" một chút nên có khá nhiều đề mục, như: Văn phòng Thơ Trẻ (sẽ cung cấp thông tin, giải đáp về hoạt động của website); Vườn Tao Đàn (với nhiều "đất" dành cho các sáng tác, các câu chuyện nghệ thuật sống và những tác phẩm văn học, phê bình văn học chọn lọc...); Cafe Thơ Trẻ... Những cây bút góp mặt trên Thơ Trẻ chủ yếu là thành viên từ các CLB Sáng tác trẻ TG, CLB Văn học trẻ Nhà văn hóa Thanh niên và những bạn trẻ yêu thơ khác, như Khương Hà, Liêu Phúc Minh, Võ Tuấn Anh, Trương Huỳnh Như Trân...

  Bích Dậu
  Bài đăng trên Tuổi Trẻ

Tags:

Viết trên bàn nhậu với một lão nông

[ TrongNghia.Info | Không rõ 17/11/2010 22:56 | by Trương Trọng Nghĩa ]
Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Khi biết tôi làm thơ
Ông bảo chú em hãy viết:
        về nỗi khổ của người nông dân,
        về giá phân bón thuốc trừ sâu tăng còn nông sản thì bấp bênh giá cả
        về con đường đi vô xã, bao năm nay mùa mưa lầy lội mùa nắng bụi mù
        về đây đó nọ kia…
Ông kể chuyện đâu hồi năm ngoái, dịch cúm cướp mất đàn gà
Ông nhớ một mùa nắng hạn, trai tráng bỏ làng đi xa.
Ông khen con Đèo xóm dưới, nhà nghèo học giỏi nhất làng
Ông khoe mới đầu tháng trước, bà Bảy xây nhà khang trang…

Đôi bàn tay mẹ

[ TrongNghia.Info | Không rõ 05/11/2010 18:09 | by Trương Trọng Nghĩa ]
Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Cầm tay mẹ đưa lên mũi
Con nghe mùi bùn non những ngày mẹ cấy đồng sâu ruộng cạn
Có mùi khét nắng những buổi trưa đổ lửa
Và mùi hoa bưởi thoang thoảng mẹ gội đầu lúc chiều hôm
Có mùi tanh nồng của những con sặc con rô mẹ bắt ngoài đồng
Có hương gạo mới trên bếp hồng mỗi tối
Có mùi khói nồng nàn rơm rạ
Và mùi dầu phong thấp mẹ xoa mỗi đêm…

Cánh bướm vườn xưa

[ TrongNghia.Info | Không rõ 23/10/2010 00:23 | by Trương Trọng Nghĩa ]
Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Đêm qua tôi lại mơ về khu vườn
Với những tiếng chim
Với hương ổi chín
Và những cánh bướm chập chờn cổ tích.

Mùa khát

[ TrongNghia.Info | Không rõ 01/04/2010 19:21 | by Trương Trọng Nghĩa ]
Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Cày đồng đang buổi ban trưa(*)
Mồ hôi ba rơi thánh thót
Mùa khát...
Những trưa đổ lửa
Hạt gieo vào đất chẳng nảy mầm xanh.

Sớm xuân

[ TrongNghia.Info | Không rõ 26/02/2010 15:28 | by Trương Trọng Nghĩa ]


Trên chiếc bình hoa cô độc
Sáng nay chợt nở đóa xuân ngời…

Là bình minh ríu rít tiếng chim bên cửa sổ phòng tôi
Là mắt tháng giêng trong vắt
Là thoang thoảng hương xuân dìu dặt
Là môi em sóng sánh nụ mai vàng

Poster của Trương Trọng Nghĩa tại Văn Miếu trong Ngày thơ VN 2010

Ngày 28.2.2010, tức Nguyên tiêu Canh Dần, tại sân Thái Học của Văn Miếu có chương trình Sân Thơ Trẻ trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam. Tên chương trình là "Chuyển động của cảm giác".

Ngày về

[ TrongNghia.Info | Không rõ 27/11/2009 14:13 | by Trương Trọng Nghĩa ]
Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Con đường dắt tôi đi về phía nỗi nhớ
Hàng cây mùa cũ xanh ngút ngàn
Chuyến xe nhọc nhằn chở đầy nắng gió
Trôi giữa miền ký ức thênh thang...
Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
Tình yêu là đề tài muôn thuở của thi ca. Và phải chăng khi con người biết yêu cũng là khi nhân loại có những bài thơ tình? Xin gửi tặng tất cả những người đã, đang và sẽ yêu chùm thơ tình trích trong tập “Vườn nhớ” (NXB Văn nghệ) của cây bút trẻ Nguyễn Giang San vừa kịp ra mắt bạn đọc vào dịp Valentine năm nay.

Thơ Nguyễn Phan Quế Mai

[ TrongNghia.Info | Không rõ 11/02/2009 11:28 | by Trương Trọng Nghĩa ]
Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Nguyễn Phan Quế Mai là một trong 8 tác giả thơ trẻ được Hội Nhà Văn Việt Nam chọn để trình diễn thơ trên Sân Thơ Trẻ 2009 mang tên “Thơ trẻ 360” (cùng với Lệ Bình Quan - tác giả đoạt giải nhất cuộc thi thơ online lần thứ 1 trên thotre.com, Nguyễn Anh Vũ, Thuỵ Anh, Điệp Giang, Huyền Minh, Nguyễn Quang Hưng và Lữ Thị Mai). Dịp này xin giới thiệu cùng các bạn chùm thơ mới nhất của Nguyễn Phan Quế Mai.
Phân trang 1/2 Trang đầu 1 2 Trang sau Trang cuối [ Kiểu hiển thị Trích dẫn | Liệt kê ]